Tủi thân
Mùng 2 Tết, có mặt ở Khoa Nhi tổng hợp II (thuộc Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Trung ương Huế), chúng tôi xúc động trước hình ảnh những người cha mẹ bồng con trên tay với gương mặt buồn rầu, lo lắng.
Đã bốn năm trôi qua, chị Lê Thị Lài (28 tuổi), trú tại xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) phải chăm con ở bệnh viện. Gia đình nghèo khổ, sinh được đứa con gái đầu lòng khá vất vả nhưng bé Hoàng Lê Thùy Trang chỉ mạnh khỏe đến lúc 2 tuổi. Căn bệnh ung thư máu khiến em phải nằm viện 4 năm qua, cũng là 4 cái Tết mẹ con chị Lài không được sum họp gia đình. Nghẹn ngào ôm đứa con, chị Lài kể: “Tết này đáng lẽ bác sĩ cho về nhà mấy ngày. Chưa kịp vui thì cháu lại bị sốt nên phải nằm lại bệnh viện. Buồn lắm!”.
Ở phòng bên cạnh, chị Nguyễn Thị Thùy Trang cũng nước mắt ngắn dài. Để lại đứa con đầu 5 tuổi ở Quảng Trị cho ông bà đã già, nỗi lo càng lớn hơn khi từ mùng 1 Tết, bé An Nguyên con chị (14 tháng tuổi) trở bệnh nặng. “Bé liên tục bị thiếu tiểu cầu, nhưng tìm người hiến không ra. Yêu cầu người hiến máu là nam giới khỏe mạnh, không uống rượu bia lúc khi cho tiểu cầu nhưng mùng 1 Tết ai cũng có uống bia rượu. Quá khổ”. Nỗi buồn xa quê ngày Tết, thêm nỗi lo con bệnh nặng, thỉnh thoảng chị lại than thở: “Chỉ muốn khóc. Buồn không gì có thể diễn tả hết”.
Bồng con trên tay, nhưng lòng chị Trang buồn lắm |
Khoa Nhi tổng hợp II hiện có 12 trường hợp bệnh nhi ung thư (trong tổng số 26 em) đang phải nằm lại bệnh viện. Hầu hết họ đều cùng chung một tâm trạng buồn rầu, nhớ nhà, chỉ biết nhìn không khí Tết qua cửa sổ, không dám bồng con ra ngoài vì sợ nhiễm trùng. Anh Hoàng Thanh Giang, chăm con ở bệnh viện kể: “Hôm ni có thêm mấy em được về nhà, chứ mùng 1 Tết vẫn còn đến 19 người. Đêm giao thừa, nghe tiếng pháo hoa mà cả mấy người ở đây ôm nhau khóc, thấy tủi lắm”.
Bác sĩ Châu Văn Hà, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp II - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thời gian điều trị của mỗi bệnh nhi ung thư lên đến 2-3 năm, nên việc đón Tết ở bệnh viện của bệnh nhân là điều không thể tránh khỏi, dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức. Ngoại trừ thành phố Đà Nẵng có bệnh viện ung thư , đa số các bệnh nhi ung thư ở các tỉnh lân cận đều được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Chính vì thế, việc phải đón Tết xa quê ở bệnh viện lại là một thiệt thòi lớn cho các em.
Tâm sự với chúng tôi, nhiều người kể, con đau ốm đã buồn, nhưng thấy tủi hơn khi nhớ lại những năm trước, giờ này đang vui vẻ đón Tết cùng gia đình. Nhớ nhà, nhiều trường hợp như mẹ con chị Võ Thị Nguyệt phải trốn viện về nhà ngủ một đêm. “Đêm qua con khóc đòi về. Tui phải cho cháu về vài tiếng sáng ni lên lại”.
Niềm an ủi
Bác sĩ Châu Văn Hà kể, mỗi năm gần Tết, các bác sĩ đều dốc hết sức với mong muốn để cho càng nhiều cháu được về quê ngày Tết càng tốt. Các em được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt và chỉ cho về khi đủ điều kiện. “Điều trị bệnh cho các em không chỉ có thuốc mà còn tinh thần. Bệnh nhân ung thư thiệt thòi hơn các bệnh nhân khác nên việc quan tâm đặc biệt là điều nên làm. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và xem xét ai có thể hoãn điều trị, cho về quê ăn Tết vài ngày thì chúng tôi sẽ cố gắng để họ và gia đình được về”. Với những bệnh nhi không được về quê đón Tết, các bác sĩ làm công tác động viên tinh thần họ và người thân. “Mình giải thích, cân nhắc lợi hại, động viên họ để họ yên tâm ở lại bệnh viện”, bác sĩ Hà kể.
Những người ở lại bệnh viện chia sẻ nhau từng lát mứt gừng, hạt dưa |
Theo cha mẹ các bệnh nhi, ngày Tết lãnh đạo bệnh viện cũng tổ chức thăm, chúc Tết và lì xì các bệnh nhân. Đội ngũ y bác sĩ trực ở bệnh viện, quan tâm tận tình, đến từng giường bệnh an ủi, động viên và cùng gia đình các bệnh nhi đón Tết như một gia đình.
Anh Hoàng Nhật Lộc, điều dưỡng Khoa Nhi tổng hợp II tâm sự: “Ở đây bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ như một gia đình, cùng nhau đón Tết. Công việc làm quen rồi nên thấy trực tết rất bình thường”. Nhiều thân nhân người bệnh kể lại, chính nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ y tế, lòng họ cảm thấy ấm hơn.
Niềm an ủi của các bệnh nhi ung thư và gia đình các em là sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của những người cùng hoàn cảnh. Họ cùng nhau ở lại bệnh viện, san sẻ nhau từng lời động viên, từng câu chuyện để ấm tình ngày Tết. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đến thăm hỏi, an ủi các bệnh nhân để họ vui hơn.
Mong mỏi lớn nhất của những bậc cha mẹ ở đây là con chóng lành bênh. Năm nay, năm sau và có lẽ năm sau nữa, nhiều bệnh nhi ung thư sẽ phải đón Tết ở bệnh viện với niềm an ủi từ gia đình thứ hai: đội ngũ y bác sĩ, những tấm lòng thiện nguyện và đặc biệt là những người cùng có con mắc bệnh hiểm nghèo.