Đồi Thiên An phủ một màu xanh của ngàn thông reo vi vu, ôm trọn những con đường ngoằn ngoèo, đồi dốc quanh co quyến rũ bao người. Đồi Thiên An là nơi hò hẹn của những đôi lứa tình nhân với bao kỷ niệm khó phai. Nơi đó có hồ Thủy Tiên huyền thoại...
Thu hoạch cam ở Đan viện Thiên An
|
Trong ký ức và sử liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, chính nơi thanh tịnh, hoang vắng và đầy lãng mạn này, từ năm 1940, đức cha tu viện trưởng Fulbert Gloreces ở Pháp đã cử cha Romain Guillaume sáng lập đan viện ngay trên ngọn đồi Thiên An... Vườn cam quý của đan viện cũng bắt đầu từ đó. Chính cha Romain là người đưa giống cam quý từ Angerie về trồng cùng với những vườn rau xanh ngắt lọt thỏm dưới cánh rừng thông. Hồ Thủy Tiên được cho đào từ khoảng năm 1940-1960 cung cấp nguồn nước mát trong để tưới cho vườn cam quý.
Người quản vườn cam - Tu sĩ Phan Tiến Hải còn nhớ rất rõ, ngày trước nơi đây chỉ có vài trăm cây nhưng mùa nào cũng trĩu quả. Đến mùa ra hoa, kết trái, vườn cam tỏa mùi thơm ngào ngạt. Có lẽ nhờ đặc ân của vùng đồi Thiên An trù phú, dòng nước mát trong của hồ Thủy Tiên mà vườn cam quý ngày càng xanh tốt, cho ra những quả ngọt lịm nên người dân gọi là “Cam đường Thiên An”. Hồi đó diện tích vườn cam còn khiêm tốn nên sản lượng chưa nhiều. Các tu sĩ nơi đây thường chọn những quả ngon dành để mời khách, một số mang cho người dân quanh vùng. Nhiều người muốn mua cam của đan viện nhưng số lượng không đủ để bán.
Từ nhu cầu thị trường mà tu viện đã chiết cành nhân giống, mở rộng diện tích vườn cam lên hằng năm, đến nay hơn 3 ha với trên ngàn gốc. Đan viện nuôi thêm lợn, bò để có nguồn phân bón cho cây trồng, chứ không dùng phân hóa học. Giống cam quý ở đây thân không cao, cành lại không nhiều, nhưng lạ thay cành nào cũng trĩu quả. Mỗi cây cho ít nhất 60-70kg, nhiều cây đến 100 kg. Muốn trái to, đều và ngon, các tu sĩ thường xuyên tỉa cành để cây phát triển và bớt “cạnh tranh” dinh dưỡng. Cách làm này đã cho sản phẩm chất lượng, sản lượng cao, mỗi cân chỉ chừng bốn đến năm quả. Lo nhất là vào những năm nắng hạn gay gắt, thiếu nước nên vườn cam khó ra hoa, kết trái, sản lượng thấp. Dù trải qua bao thăng trầm của thiên tai, dịch bệnh nhưng đến nay, cam dòng Thiên An vẫn lưu truyền và giữ được vị ngọt thơm như ngày nào.
Trưởng phòng Trồng trọt-Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Quang Phước chia sẻ: “Sắp đến sẽ phối hợp với đan viện Thiên An để nghiên cứu, xin chiết cành trồng thử nghiệm và nhân giống loài cam quý này tại một số vùng có điều kiện đất đai phù hợp”.
|
Tu sĩ Phan Tiến Hải hái vài quả chín vàng ươm để mời mọi người thưởng thức. Vỏ cam không dày, dễ bóc, múi khá dày, vị ngọt thanh, mùi thơm nồng nàn đặc trưng chỉ có cam dòng đan viện Thiên An. Đề cập đến bí quyết để có được loài cam đặc sản này, tu sĩ Phan Tiến Hải nói: “Có lẽ đặc ân của vùng đồi trù phú, kết hợp với dòng nước mát trong của hồ Thủy Tiên tạo nên mùi vị đặc trưng của cam Thiên An. Chứ chẳng có bí quyết nào cả”. Dân xứ Huế mỗi khi nghe đến cam dòng Thiên An đều rất thích. Chưa đến mùa cam chín, các thương lái đã đến đan viện tranh nhau đặt hàng. Cứ đến mùa, cam dòng Thiên An có mặt hầu hết các chợ trên địa bàn TP Huế. Đan viện đã từng xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Trên những quả cam tại các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu... có tên “T.A” chính là cam Thiên An.
Xây dựng thương hiệu cho loại cây đặc sản nổi tiếng này được đan viện quan tâm. Đan viện đang đầu tư xây dựng hệ thống nước tưới, có kế hoạch chiết cành nhân giống để tạo nguồn sản phẩm dồi dào và xây dựng thương hiệu. Tính toán của quản vườn Phan Tiến Hải, chỉ cần giá cam mỗi kg khoảng 30 ngàn đồng thì vườn cây có thể thu về 1,5 tỷ đồng/năm. Có năm chăm sóc tốt, sản lượng, chất lượng sản phẩm cao thu được trên 2 tỷ đồng...
Bài, ảnh: Hải Triều