Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy chuỗi cung ứng, phát triển thương mại toàn diện. Ảnh minh họa: Xinhua/VTV.vn

Cụ thể, một tuyên bố chung của Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp quốc (UNESCAP) và Ngân hàng ADB cho thấy thương mại hàng hóa đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt sụt giảm do COVID-19 gây ra vào năm 2020.

Báo cáo chỉ ra rằng, chính phủ các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã nỗ lực vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động thương mại, song một số nguồn cung cần thiết đã không được giao vì nhiều lý do. Tuy nhiên, sau nhiều thách thức, chính quyền APAC nhận được lời khen ngợi vì đã đẩy nhanh quá trình số hóa các thủ tục thương mại.

Theo Thư ký điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana: “Số hóa thương mại xuyên biên giới có tiềm năng to lớn để giúp các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp cận hàng hóa quan trọng, đặc biệt là những mặt hàng dễ bị ảnh hưởng do sự không chắc chắn trong thương mại và các cuộc khủng hoảng”. Bên cạnh đó, ông Alisjahbana cũng lưu ý rằng tăng tốc hơn nữa quá trình này có thể cắt giảm hơn 13% chi phí thương mại trung bình trong khu vực.

Trước tình hình này, Liên Hiệp quốc và Ngân hàng ADB cũng kêu gọi các nước châu Á – Thái Bình Dương cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thương mại bao trùm, toàn diện để chắc chắn rằng tiến trình phục hồi sẽ diễn ra bền vững. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ và ngành nông nghiệp cần được hỗ trợ.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Khmer Times)