Đồng chí Lê Đức Thọ gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh năm 1976. Ảnh: TL

Từ rất sớm, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1926, tham gia phong trào bãi khoá và lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1928 hoạt động trong Học sinh hội, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Nam Định. Tháng 10/1928, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 11/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo.

Tại đây, cấp ủy Chi bộ nhà tù cử đồng chí làm Bí thư chi bộ. Năm 1936-1939, ra tù, đồng chí phụ trách công tác báo chí công khai và xây dựng cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định.

Trong 5 năm (1939-1944), đồng chí Lê Đức Thọ lại bị địch bắt, bị giam tại các nhà tù ở Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình. Tháng 9/1944, đồng chí ra tù, được Trung ương giao phụ trách công tác an toàn khu của Trung ương, tổ chức và huấn luyện cán bộ. Cùng năm đó, đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 8/1945, đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách công tác tổ chức. Năm 1949, đồng chí làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam. Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc làm Trưởng ban Thống Nhất Trung ương, đến cuối năm 1956 làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau đó kiêm chức Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Sau Tổng tiến công Xuân 1968, đồng chí làm Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam. Trước tình hình mới, tháng 5/1968, đồng chí trở lại miền Bắc phụ trách công tác ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc gặp riêng. Sau Hội nghị Paris (1973), đồng chí là Trưởng ban miền Nam của Trung ương.

Tháng 3/1975, trước thời cơ vừa được mở ra, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến trường miền Nam, trực tiếp cùng Trung ương cục và Bộ Chỉ huy Quân giải phòng miền Nam lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng. Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1986, đồng chí được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với 64 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn và thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đồng chí Lê Đức Thọ đã có một cuộc đời hoạt động phong phú, trên nhiều địa bàn mà Đảng đã phân công. Đặc biệt là các lĩnh vực công tác như: Tổ chức xây dựng Đảng, ngoại giao, thực hiện nghĩa vụ Quốc tế cao cả của Đảng và Nhà nước. Đồng chí là một trong những lãnh đạo có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhiều lần được phân công giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ là người giữ trọng trách này lâu năm nhất. Với cương vị đó, đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước qua nhiều thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, qua các giai đoạn của đất nước.

Đối với cách mạng miền Nam, đồng chí đã từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, hai lần làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Thống Nhất Trung ương, Trưởng ban miền Nam của Trung ương, đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau 30/4/1975, đồng chí là Phó ban đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Trung ương cũng đã cử đồng chí đảm nhiệm các nhiệm vụ đặc biệt như: Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại hội nghị Paris (1968-1973), Phụ trách Ban Công tác đặc biệt của Đảng (từ cuối năm 1977 đến tháng 1 năm 1979).

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ, chúng ta tự hào về người đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà hoạt động cách mạng tài năng của Đảng và Nhà nước ta.

MINH KHIÊM