Đầu tư vào sức khỏe tâm thần là vấn đề khẩn cấp phải thực hiện để có được một tương lai bền vững và khỏe mạnh hơn. Ảnh minh họa: Aljazeera.com/VTV.vn
Cụ thể, ấn bản mới nhất của Tập bản đồ Sức khỏe Tâm thần đã vẽ nên một bức tranh đáng thất vọng, cho thấy mối quan tâm gia tăng đối với sức khỏe tâm thần trong những năm gần đây vẫn chưa được giải quyết và chưa có hành động nào để mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng và phù hợp với nhu cầu.
“Cực kỳ đáng lo ngại”
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Điều cực kỳ đáng lo ngại... là những mục đích tốt không được đáp ứng bằng sự đầu tư. Chúng ta cần phải lưu ý và hành động theo lời cảnh tỉnh này, đồng thời đẩy nhanh đáng kể việc mở rộng quy mô đầu tư vào sức khỏe tâm thần bởi không thể có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần tốt”.
Trong một ý kiến có liên quan, giới chuyên gia cho rằng đầu tư vào dữ liệu sức khỏe tâm thần và thúc đẩy triển khai các dịch vụ là rất cần thiết để các nước có thể phục hồi trở lại sau dịch COVID-19. Trong đó, hiện các dịch vụ về sức khỏe tâm thần, thần kinh, lạm dụng chất gây nghiện là những dịch vụ y tế bị gián đoạn nhiều nhất trong thời kỳ đại dịch...
Mục tiêu của năm 2020 đã bị bỏ lỡ
Theo báo cáo với dữ liệu thu thập được từ 171 quốc gia, không có mục tiêu nào về lãnh đạo và quản lý hiệu quả đối với sức khỏe tâm thần, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, thúc đẩy chất lượng sức khỏe tâm thần và phòng ngừa những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, hoặc những mục tiêu tăng cường các hệ thống thông tin đạt mức gần đạt được.
Cụ thể, vào năm 2020, chỉ 51% trong tổng số 194 quốc gia thành viên của WHO báo cáo rằng chính sách hoặc kế hoạch về sức khỏe tâm thần của quốc gia là phù hợp với các công cụ nhân quyền quốc tế và khu vực. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trước đó là 80%.
Ngoài ra, chỉ 52% trong tổng số các quốc gia đạt được mục tiêu liên quan đến các chương trình phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần, cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 80%.
Mục tiêu duy nhất đạt được vào năm 2020 là giảm 10% tỷ lệ tự tử. Nhưng ngay cả như vậy, chỉ có 35 quốc gia cho biết họ có chiến lược, chính sách hoặc kế hoạch phòng ngừa độc lập.
Bất bình đẳng lớn
Báo cáo của tổ chức WHO cho thấy, mặc dù tồn tại những khoảng cách chênh lệch trên toàn cầu, nhưng cũng ghi nhận những tiến bộ ổn định trong việc áp dụng các chính sách, kế hoạch và luật pháp liên quan, cũng như cải thiện năng lực báo cáo thường xuyên trong nhiều năm về bộ chỉ số sức khỏe tâm thần cốt lõi.
Mặc dù vậy, cần phải nhận thấy rõ rằng tỷ lệ ngân sách y tế mà chính phủ chi cho sức khỏe tâm thần hầu như không thay đổi trong nhiều năm qua, cụ thể là vẫn dao động ở mức khoảng 2%.
Bản đồ Sức khỏe Tâm thần năm 2020 đã chỉ rõ sự bất bình đẳng lớn trong sự sẵn có của các nguồn lực sức khỏe tâm thần và sự chênh lệch trong phân bổ những nguồn lực này giữa các quốc gia có thu nhập cao và thấp, cũng như giữa khu vực này với khu vực khác.
Các mục tiêu mới cho năm 2030
Các mục tiêu toàn cầu được báo cáo trong Tập bản đồ Sức khỏe Tâm thần là từ Kế hoạch hành động toàn diện về Sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kế hoạch của năm 2020 giờ đã được mở rộng đến năm 2030 và bao gồm các mục tiêu mới để đưa sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội vào các kế hoạch sẵn sàng ứng phó khẩn cấp, lồng ghép sức khỏe tâm thần vào các kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu và triển khai nghiên cứu về sức khỏe tâm thần.
Hạnh Nhi (Lược dịch từ UN News)