Chiều muộn mới rời khỏi nơi làm việc, chậm rãi tới điểm đón chờ chuyến xe buýt cuối cùng trở về nhà. Trong vệt sáng nhấp nhóa cuối ngày, tôi thấy một người phụ nữ quẩy đôi quang gánh dáng vẻ vội vã ngang qua ngã tư. Những bước chân gấp gáp ấy vừa khắc họa những bận rộn lo toan trong cuộc sống thường ngày, vừa như cất giữ những khoảnh khắc yên bình, dung dị. Nhìn gánh hàng rong lạc vào dòng xe cộ phố phường, lòng tôi cứ rộn lên nưng nức. Ngày trước, làng tôi cũng có một gánh hàng rong...

Gánh hàng rong ấy là của dì Sáu mập, nhà cạnh bờ sông đầu làng. Mỗi lúc dì xuất hiện, thân hình phốp pháp cùng đôi dép tông Lào chà xuống nền đường đất nghe lẹt bẹt, chiếc đòn gánh cong cong như nhún nhảy, phát ra tiếng kêu kĩu kịt theo mỗi bước chân của dì. Gánh hàng ấy được tụi trẻ chúng tôi ví như cửa hàng bách hóa thu nhỏ. Đôi thúng và hai chiếc mẹt đặt ngang trên, chủ yếu hàng bán là những thức khô. Nào là trầu cau cho người già, những chiếc bánh khảo, bỏng gạo, kẹo dồi, kẹo bột, những tệp bánh giấy mỏng đủ màu xanh đỏ, vàng, trắng… cho bọn trẻ con. Rồi bịch cá khô, lạc, đậu, muối, chai dầu hỏa. Nhiều hôm thêm những nải chuối vàng ươm, mấy trái ổi, trái thị thơm nức. Gánh hàng của dì Sáu đi đến đâu là lao xao, rộn tiếng nói cười đến đó. Người lớn mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống thường ngày, bọn nhỏ chúng tôi thì háo hức với những thức quà vặt.

Rong ruổi cả buổi, đến trưa gánh hàng được đặt nơi cây gạo già sum suê rợp mát giữa làng. Nhớ nhất những ngày hè, gánh hàng của dì Sáu thắp đèn ngồi tận chín mười giờ khuya dưới gốc cây. Tuy giờ đó chẳng bán thêm được gì, nhưng chỗ dì ngồi là nơi những gia đình quanh đấy thường tụ về hóng gió và trò chuyện. Mọi người kể đủ chuyện vui buồn của xóm làng, chuyện đồng áng, giống má, lợn gà. Có dì và cây đèn dầu leo lét ngồi đó, bọn trẻ chúng tôi yên tâm vui chơi. Đến khi nghe dì gọi phụ dọn hàng, tiếng dép lẹt bẹt dưới nền đường của dì xa dần, tất cả lũ trẻ mới chịu giải tán về ngủ.

Ngày ấy làng tôi chưa có điện. Hôm nào nhà hết dầu, thấy dì Sáu quẩy gánh hàng đi tới là mẹ lại sai chị em tôi mang chai ra ngay gốc cây để “nhận hàng”. Có nhiều hôm dì Sáu bị lỡ đò, về đến nơi thấy mấy đứa nhóc đang đợi mua quà là dì đon đả, thể gì khi gói hàng cũng được dì thêm cho một tí. Khi cây gạo già trút lá, dì thường nhờ mấy đứa bọn tôi gom lại và nhét vào chiếc bao tải nhỏ. Dì mang về đổ ra vườn, như một cách thức làm sạch đường làng. Mùa hoa gạo bắt đầu nở, lẫn trong hàng hóa trên hai chiếc mẹt hàng của dì lúc nào cũng có những bông gạo đỏ cháy, dì đã chọn và để dành đấy như một món quà giản dị của quê hương dành cho bọn trẻ mỗi khi đi học ngang qua.  

Chúng tôi lớn lên, đi qua rất nhiều những mùa hoa gạo lãng mạn, rộn ràng như thế. Khi điện lưới kéo về sáng trưng khắp xóm, có vài quán tạp hóa nhỏ được mở ra thì cũng đến lúc dì Sáu thôi quẩy gánh hàng rong. Mấy mươi năm đã trôi qua, người đã thành người thiên cổ, cây gạo già cũng bị đốn ngã tự bao giờ để giải phóng mặt bằng làm đường bê tông. Mọi thứ đã đổi khác, nhưng kỷ niệm xưa thì vẫn luôn đầy chặt trong tim. Gánh hàng rong tình cờ gặp ban chiều khiến tim tôi rung lên, khắc khoải. Nó nhắc nhớ tôi về cuộc sống thiếu thốn mà đầy dư vị ngọt ngào, bình dị của một thời.

MAI ĐÌNH