Khu vực Công viên Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: QUANG THÁI

Sức bật từ thành phố 10 triệu dân

Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt. Lịch sử Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong mạch nguồn ấy, ngày 10/10/1954 là một dấu mốc đặc biệt, tiếp nối từ thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ… để mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Kể từ ngày “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” với 43,7 vạn dân cư trú tại 34 khu phố và 45 xã của 8 quận, huyện, giờ đây Hà Nội mở rộng với diện tích lên 3.344,7km2, gồm 30 quận, huyện, thị xã, với dân số gần 10 triệu người. Địa thế “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa” với một không gian đủ lớn đã tạo điều kiện cho Thủ đô có một tầm vóc phát triển mới.

Công cuộc mở rộng Thủ đô năm 2008 giúp Hà Nội khai thác các giá trị, nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ. Minh chứng rõ nhất là 16/16 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã được hoàn thành, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt và cán đích kế hoạch sớm 2 năm: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (đến cuối năm 2020 có 10 huyện và 371 xã, đạt tỷ lệ 96,1%), tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt 75%), đến cuối năm 2020 số hộ nghèo chỉ còn 0,4%, trong khi mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ là dưới 1,2%.

Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 1,8 lần bình quân của cả nước.

Để đạt kết quả ấn tượng trên, nhất là năm 2020, khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, là một quá trình phấn đấu bền bỉ. Điều đó thể hiện qua tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng GDP bình quân chung của cả nước: Năm 2016, GRDP Hà Nội tăng 7,16%, trong khi GDP cả nước là 6,21%; năm 2017, Hà Nội tăng 7,37%, trong khi cả nước tăng 6,71%; năm 2018, Hà Nội tăng 7,46%, cả nước tăng 7,08%; năm 2019, Hà Nội tăng 7,63%, cả nước tăng 7,02%; năm 2020, Hà Nội tăng 3,98%, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Phát triển nhanh, bền vững

theo hướng đô thị xanh

Trong khó khăn chung của cả nước, 9 tháng đầu năm 2021, GRDP của Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 5,85%; quý III giảm 7,02%). Tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt mức thấp so với kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2020 và so với cả nước (tăng 1,42%) chủ yếu do quý III giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh một số chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75% dự toán trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng của năm 2021 ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch.   

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, thành phố xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý IV-2021 tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Với việc sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 2 vắc-xin phòng COVID-19 cho những người từ đủ 18 tuổi trở lên trong tháng 11/2021 nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, Hà Nội sẽ có điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa.

Mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD. Đây là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao trong thực hiện, đòi hỏi cách làm mới, sáng tạo. Chính vì vậy, thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và chọn 3 khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; thể chế, cơ chế, chính sách; văn hóa và nguồn nhân lực.

Khơi dậy nguồn nội lực và khả năng hội nhập, tiếp tục khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Thủ đô, Hà Nội xác định, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển. Đây chính là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô, thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước, tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực, thực sự là Thành phố sáng tạo của UNESCO.

THẾ ĐAN