Ngành du lịch ký kết hợp tác với Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài

Liên kết chặt hơn

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực. Du lịch đứng một mình sẽ khó có thể thực hiện tốt những mục tiêu; sự phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh cũng thiếu sự nhanh chóng. Ngược lại, khi cùng phối hợp tốt sẽ tạo ra nội lực mạnh. Điều này chỉ sẽ được xây đắp khi các ngành, lĩnh vực liên quan cùng quyết tâm thực hiện.

Sở dĩ có sự nhận định như thế là bởi lâu nay, theo đánh giá của những người trong cuộc, sự kết nối, liên kết nội lực của du lịch Huế luôn là dấu hỏi lớn. Sự liên kết, phối hợp của các ngành, doanh nghiệp vẫn còn những khoảng trống nhất định. Có thể kể đến trong thu hút đầu tư du lịch, dù là lĩnh vực du lịch song sự tham gia chỉ ở giai đoạn sau của dự án. Vì thế, đôi khi thiếu sự định hướng, phân tích về nguồn khách, xu hướng phát triển. Hay về hạ tầng giao thông du lịch, nhìn chung vẫn còn những khó khăn, chưa thể là động lực cho du lịch phát triển. Sát sườn hơn là giữa ngành du lịch và đơn vị quản lý, khai thác di sản vẫn có những khoảng trống, nhất là trong xây dựng các cơ chế, kế hoạch phát triển kịp thời.

Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, nội lực có chắc, có đủ mạnh thì khi tìm kiếm sức mạnh ngoại lực cũng thuận lợi hơn. Chẳng hạn như kích cầu du lịch ở trạng thái bình thường mới, chỉ khi nội lực thống nhất, có những kế hoạch, sự tham gia của các ngành để cùng tạo ra một chương trình đủ hấp dẫn về dịch vụ, lẫn giá thành, mới có thể đủ khả năng cạnh tranh thu hút khách. Khi liên kết với các đối tác bên ngoài cũng dễ đạt được kết quả.

Bước xây dựng nội lực đầu tiên là vào tháng 9/2021, Sở Du lịch và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Cố đô. Theo đó, hai bên cùng nghiên cứu, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xây dựng nội dung, cơ chế, chính sách mới; nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nhất là các sản phẩm du lịch liên quan đến văn hóa, di sản, ẩm thực, áo dài...; khuyến khích và triển khai các sản phẩm, ứng dụng du lịch thông minh, du lịch trải nghiệm, chuyển đổi số… góp phần làm phong phú thêm các loại hình du lịch.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sự hợp tác đã diễn ra từ trước đó, song đây là lần đầu tiên ký biên bản thỏa thuận. Phương thức hợp tác giữa các bên thông qua tổ điều phối, với các cán bộ có năng lực và trách nhiệm. Hoạt động hợp tác giữa hai bên trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, hướng tới hiệu quả thiết thực.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, biên bản ghi nhớ hợp tác có hiệu lực triển khai bắt đầu từ ngày ký và có thời hạn hiệu lực sau 5 năm. Đây được xem là một chu kỳ phát triển thích hợp, phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh. Sau thời gian này, hai bên có thể xem xét để ký kết một thỏa thuận mới, phù hợp và có tính thực tiễn cao hơn.

Gây ấn tượng ban đầu cho khách

Bên cạnh sự hợp tác có tính “ràng buộc” được ký kết giữa cơ quan Nhà nước với nhau, ngành du lịch cũng đã ký kết hợp tác với Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài để phối hợp trong công tác xúc tiến đường bay đến Huế; phối hợp quảng bá điểm đến Thừa Thiên Huế và hình ảnh của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài cho rằng, ấn tượng ban đầu tại sân bay của du khách khi vừa đặt chân đến mỗi vùng đất rất quan trọng. Do đó, qua hợp tác với các ngành quản lý du lịch, văn hóa của Huế sẽ giúp Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài thay đổi “bộ mặt” trong thời gian đến.

“Chúng tôi quyết tâm sẽ đưa những nét truyền thống, hình ảnh, sản phẩm thương hiệu Huế có mặt ở sân bay để khi khách xuống sân bay có thể bắt gặp hình ảnh đặc trưng của Huế. Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đang được nâng cấp lên 5 triệu lượt/năm, tương lai sẽ là còn phát triển, do đó, tăng cường hợp tác cũng là cách để ngành hàng không ghi điểm với hành khách, tăng khả năng tăng trưởng”, ông Nguyễn Đức Tiến kỳ vọng.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, bên cạnh hợp tác quảng bá hình ảnh, hai bên cũng đặt kỳ vọng lớn hơn là cùng nhau xây dựng cơ chế, kế hoạch, đề xuất những phương án mới nhằm thực hiện tốt công tác xúc tiến đường bay mới đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; duy trì hiệu quả, mức độ thường xuyên của các đường bay có sẵn; phối hợp tổ chức đón các chuyến bay thuê chuyến riêng, các đường bay mới, đường bay thường lệ đến Huế.

Sự chuyển dịch đầu tiên về kế hoạch mở đường bay mới là cuối tháng 9/2021, Sở Du lịch và Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài phối hợp làm việc với một đối tác ở Hàn Quốc, tìm phương án để mở đường bay charter mới (chuyến bay thuê nguyên chuyến), đưa khách Hàn Quốc đến Huế giai đoạn bình thường mới, khi du lịch quốc tế được mở cửa trở lại.

Được biết, trong thời gian đến, Sở Du lịch sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các trường đào tạo du lịch trong hợp tác nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành du lịch Cố đô.

Bài, ảnh:  Đức Quang