Giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Trong khó ló… điều hay

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Trần Đức Nghĩa bị mất việc làm vào tháng 3/2021. Anh được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 4 triệu đồng/tháng, trong 3 tháng. "Khoản tiền trợ cấp này đã giúp cuộc sống của gia đình tôi không bị rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn", anh Nghĩa chia sẻ.

Tương tự là trường hợp anh Nguyễn Công Hào, công nhân của một xí nghiệp in. Ngay sau khi thôi việc, anh Hào làm thủ tục hưởng BHTN và nhận số tiền trợ cấp hơn 5 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian khó khăn. “Khi làm thủ tục hưởng BHTN, tôi còn được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tôi đang lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực và sở trường để tiếp tục công việc”, anh Hào chia sẻ.

Cũng như anh Hào và anh Nghĩa, đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BHTN. Chính sách này thực sự trở thành điểm tựa của NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Nói rằng, trong điều kiện dịch COVID-19 khó khăn là “khó ló… điều hay” do thế là không… sai!

Tự nguyện tham gia Bảo hiểm thất nghiệp

BHTN ban đầu không được xem trọng. Một số cơ quan Nhà nước thậm chí nhiều năm liền không đóng BHTN cho cán bộ, viên chức của mình bởi cho rằng họ không thể thất nghiệp được (!). BHTN chưa thu hút đông đảo NLĐ tham gia còn do chỉ mới tập trung cho NLĐ làm việc ở khu vực kinh tế chính thức (có hợp đồng lao động), chưa hướng đến nhóm lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động).

Ngày 12/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về Nghị định 127/2008/NĐ-CP, đặc biệt vai trò phao cứu sinh đối với NLĐ đã được kiểm chứng, nên BHTN thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Nếu như trong năm đầu tiên triển khai (2009), cả nước chỉ có gần 6 triệu người tham gia, thì đến nay, con số này đã tăng lên hơn 13 triệu người, bằng gần 90% tổng số người phải đóng BHXH bắt buộc.

Ở Thừa Thiên Huế, năm 2017 đã có 100.297 người tham gia BHTN. Năm 2021, tỷ lệ người lao động tham gia BHTN tăng từ 16,7% lên 21,54% so với năm 2012, năm đầu thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT và BHTN. Những năm gần đây, số chi các chế độ BHTN so với số thu vào quỹ BHTN cũng bắt đầu gia tăng. Từ năm 2020 đến nay là thời điểm có số lao động đề xuất và hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất, với gần 10.000 người.

Không chỉ nhận trợ cấp

Ngày 12/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN. Theo đó, điều kiện để được hưởng BHTN là phải đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.

Trong thực tế, người tham gia BHTN không chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp mà còn được trợ giúp hỗ trợ việc làm. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giải quyết gần 5.200 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền gần 75 tỷ đồng. Hàng trăm lao động được hỗ trợ học nghề theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và có được công việc, thu nhập ổn định. Tính đến tháng 8/2021, tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh là 10.132 lao động (trong đó, có 482 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), đạt 63,3% so với kế hoạch đề ra.

Không hưởng trợ cấp một lần như anh Trần Đức Nghĩa, chị Bùi Hồng, một lao động mất việc làm gần đây do ảnh hưởng dịch COVID-19 lựa chọn tham gia khóa học nghề chế biến món ăn trong thời gian 3 tháng để chuyển đổi nghề nghiệp. “Sau khi hoàn thành khóa học vào đầu năm 2021, tôi mở hàng ăn tại nhà. Hiện nay, thành phố thực hiện giãn cách xã hội (thời điểm gặp chúng tôi), phải tạm nghỉ bán hàng, nhưng tôi tin đây là hướng đi mới để tăng thu nhập khi dịch bệnh được kiểm soát", chị nói.

Tháng 10/2021, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYTvà BHTN. So với BHXH và BHYT thực tế cho thấy, BHTN mới tập trung cho người lao động làm việc ở khu vực kinh tế chính thức (có hợp đồng lao động). Chính sách BHTN nhìn chung vẫn nặng về giải quyết trợ cấp, chưa có giải pháp phòng ngừa. Một số nghề đào tạo cho nhóm lao động hưởng BHTN không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, nên người mất việc chưa mặn mà lựa chọn.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 43 - KH/TU, ngày 26/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT và BHTN. Riêng với BHTN, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ đây là chính sách mới có tác động trực tiếp đến NLĐ, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội, nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị thất nghiệp.

Bài, ảnh:  Đan Duy