Nữ sinh viên tham gia sinh hoạt về bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Tham gia diễn đàn, BS CKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh ngậm ngùi. Ông nói với những người trẻ: Chúng ta phải cảm thấy đây là điều đáng lo lắng. Bởi lẽ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ thì trong tương lai không xa, chúng ta phải đối mặt với sự khan hiếm phụ nữ. Vấn đề này sẽ gây thêm áp lực về kết hôn độ tuổi trẻ hơn, tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo hành giới… Đó cũng là nguy cơ mà phụ nữ và các em gái phải đối mặt.

Tại Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Quy luật gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cũng giống các nước khác. Đó là xuất hiện vào giai đoạn xã hội nở rộ các dịch vụ siêu âm, mở rộng các dịch vụ hành nghề y tế tư nhân và thuận tiện, dễ dàng trong nạo phá thai. Có ba nhóm nguyên nhân cốt lõi của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, gồm: Tâm lý ưa thích con trai trong xã hội; ảnh hưởng từ giảm sinh và tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội; sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại, các điều kiện chẩn đoán giới tính trước sinh và phá thai chọn lọc giới tính.

Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng. Đến năm 2006, thực trạng này thật sự trở thành vấn đề “nóng” của xã hội. Bình quân tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính hằng năm của các nước chỉ từ 0,4% đến 0,5%. Nhưng ở Việt Nam, ngay từ những năm đầu tiên xuất hiện thực trạng này, tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh đã lên cao bất thường, từ 1% đến 1,5%. Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, 103 bé trai/107 bé gái là tỷ lệ giới tính bình thường. Nhưng tại thời điểm năm 2019, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có tỷ lệ là 111,5 bé trai/100 bé gái; trong khi, tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ đó cao hơn, 112,8/100. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng dân số thế giới năm 2020 ước tính nước ta sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cảnh báo: Nếu tình trạng này tiếp tục tăng thì sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên sinh ra sau năm 2005, vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình thì nhóm này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi 10%. Nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20 năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước.

Thực tế cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta chủ yếu là do phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng Nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường ăn sâu vào tiềm thức người dân. Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và các hệ lụy trong tương lai, theo các chuyên gia, giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới…

“Chúng ta phải chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ này để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Việt Nam đang đạt được tiến bộ, nhưng những tiến bộ ấy cần được đẩy mạnh nhanh hơn nữa. Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này”, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN