Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị 

Việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này nhằm thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thi đua khen thưởng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, hướng thi đua về cơ sở.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi; đề nghị dự thảo Luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cụ thể là làm rõ hơn mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực phát triển phong trào thi đua; đối tượng thi đua, khen thưởng đặc biệt là ưu tiên đối tượng trực tiếp lao động sản xuất, làm rõ thêm yếu tố tiêu chuẩn để nhận danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sử đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm có nghiên cứu sâu, bề dày kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thi đua khen thưởng tại các ngành, lĩnh vực của các đại biểu tham dự. Đồng thời nhấn mạnh các ý kiến sẽ được Đoàn phân loại, tổng hợp đầy đủ, gửi đến ban soạn thảo và nghiên cứu để tổng hợp, báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tin, ảnh: Thái Bình