9 giờ tối. Khu phố đang yên bỗng giật mình bởi tiếng la hét vọng lên từ nhà người hàng xóm, kèm tiếng đồ đạc vỡ loảng xoảng. "Tao hỏi mày. Mày có phải là con của tao không" - Tiếng ông bố hét lên giận dữ. "Tôi hỏi ông, ông có phải là bố của tôi không?" - Tiếng cậu con trai cũng hét lên, với vẻ giận dữ không kém.

Khi mọi người chạy đến, đập vào mắt là cảnh hai bố con nhà hàng xóm đang túm lấy nhau. Ông bố kẹp cổ cậu con trai với con dao trên tay.  Bên cạnh, bà mẹ chạy quanh, dáng vẻ tơi tả, bất lực. Chỉ khi tổ trưởng dân phố và công an khu vực đến, mọi chuyện mới vãn hồi.

Việc nhà hàng xóm cãi vã, đánh nhau không còn là chuyện mới. Căn nguyên là do anh chồng hay quá chén. Cũng vì ham bù khú, tối nào ông cũng về nhà khi đã ngà ngà hơi men. Không làm chủ được mình, chỉ một chút không vừa ý, là cãi vã, to tiếng.

 Mỗi lần nhắc chuyện hàng xóm, nhiều người lại thở dài, thương cảm cho chị vợ. Người phụ nữ ấy trông thật hiền lành, lại bị tật nhẹ ở chân. Chị mưu sinh bằng gánh cháo bò đầu ngõ. Quán thưa khách, có khi 9 giờ đêm mới về đến nhà. Mùa dịch ế ẩm, chị lại dong xe nhặt ve chai.

Có dịp ghé quán cháo của chị, hỏi chuyện, chị tâm sự: “Ổng làm có đồng nào, đều rủ bạn nhậu hết. Tối về cũng không lúc nào yên. Thôi đời mình coi như đã xong. Chỉ cố làm lụng lo cho các con”. Trong đôi mắt rất buồn của chị, một niềm vui ánh lên, khi chị nói về các con. “Nhưng mà các con cũng đâu có yên với ổng”, chị lại thở dài.

Sau đêm cãi vã ầm ĩ, mấy ngày sau, chúng tôi không còn thấy ba mẹ con chị hàng xóm nữa. Nghe đâu, họ đã đem nhau về quê ngoại tá túc. Căn nhà nhỏ vốn sạch sẽ giờ thật lạnh lẽo. Chỉ có anh chồng đi sớm, về tối. Vẫn cái bóng xiêu vẹo của ông chân thấp, chân cao về nhà. Khác chăng, giờ đây, ông chẳng còn ai để gây sự.

Không biết, sự trống vắng ấy có làm người đàn ông kia tỉnh trí? Nhưng câu hỏi đau đớn của cậu con trai "ông có phải là bố của tôi không", với tất cả nỗi thất vọng về cha mình, lại đau nhói trong tim người nghe. Sự ích kỷ, thiếu tu dưỡng của một ông bố đã làm đau một mái nhà.

NHẬT NGUYÊN