Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành dệt may vẫn tăng trưởng trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 

Thực hiện tốt “mục tiêu kép”

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo địa phương thống nhất đánh giá, tỉnh đã ghi nhận các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng có nguồn lây từ các trường hợp người về từ vùng dịch sau khi hoàn thành cách ly tập trung về địa phương. Tuy nhiên nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, các ổ dịch đã nhanh chóng được truy vết, phong tỏa diện hẹp, xét nghiệm, cách ly điều trị, dập dịch kịp thời nên vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Đã tập trung triển khai ứng dụng “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” bằng mã QR Quốc gia nhằm thống nhất các nền tảng công nghệ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đến 11/10/2021, đã cấp 828.548 thẻ QR cho người dân, 1.511 điểm giám sát đã được kích hoạt. Tổng kinh phí phục vụ công tác chống dịch từ đầu năm đến nay là 534 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách trung ương chi theo phân cấp khoảng 167 tỷ đồng, còn lại được huy động từ các tổ chức cá nhân khác.

Về tình hình KT- XH, thành viên UBND tỉnh thống nhất nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động, kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, vừa phòng chống kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ nhân dân, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển KT- XH.

Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 41.412 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 5,12%. Ngoài những ngành, lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vẫn còn nhiều điểm sáng. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 8.204 tỷ đồng, vượt 33,52% dự toán và tăng 26% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt 18.945 tỷ đồng, bằng 70,2% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ… An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh, đã có 114.465 người với, tổng kinh phí 41,393 tỷ đồng được hỗ trợ; huy động được 8,121 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 4.949 hộ với tổng số tiền hỗ trợ 4,949 tỷ đồng cho người Huế ở các tỉnh phía nam.

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu kết luận tại phiên họp 

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Vì vậy, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển KT- XH.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; trong đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển KT- XH. Tập trung đánh giá cụ thể mức độ tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành, lĩnh vực và địa phương; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KT- XH, đặc biệt là các kịch bản tăng trưởng năm 2022 theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định chính trị, xã hội; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân hoàn thành các hạng mục năm 2021 trước mùa mưa bão. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 100% kế hoạch vốn được giao từ đầu năm. Tập trung đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công các chương trình, dự án trọng điểm; giải quyết các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng của các dự án khởi công mới… Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án của Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt KT - XH của tỉnh.

Toàn cảnh cuộc họp 

Tiếp tục giám sát tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực; quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; các dự án trọng điểm vừa mới đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nhất là đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành dệt may. Song song đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý thu, chi trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch. Quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Chủ động nguồn kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ chi cấp bách, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo kinh phí phòng chống dịch COVID-19. Khẩn trương xây dựng các giải pháp để tăng thu, giảm chi ngân sách; cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.

Bài, ảnh: Thái Bình