Nhiều du học sinh phải học Online do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như nhiều hạn chế khác. Ảnh minh họa: The Conversation/TTXVN/Vietnam+

Những yếu tố này không chỉ làm giảm sự nhiệt tình, mà còn khiến sinh viên sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống, cũng như ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của gia đình và khiến nhiều người thay đổi các quyết định liên quan đến điểm trường theo học ở nước ngoài.

Vào năm 2020, khi các trường đại học triển khai chương trình học Online, dễ dàng có thể nhận thấy rằng các trải nghiệm học trực tiếp như thời kỳ trước đại dịch có giá trị như thế nào đối với thế hệ học sinh, sinh viên, giảng viên...

Để đối phó với tình trạng này, Australia và Canada đã nhanh chóng thông qua các biện pháp quan trọng nhằm hỗ trợ các trường đại học đã mất đi một lượng sinh viên quốc tế đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, hiện vẫn có một số trường đại học không khuyến khích sinh viên dành thời gian để học tập tại nước ngoài.

Trong khi Mỹ vẫn lạc quan về khả năng thu hút học sinh, sinh viên quốc tế trong tương lại, đặc biệt là những trường được đánh giá cao, có tài chính lành mạnh luôn giữ được tỷ lệ nhập học của sinh viên quốc tế đạt trung bình hàng năm là 20% trở lên, thì việc giảm tuyển sinh năm 2020 đã gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đến các trường đại học nhỏ hơn.

Tại Anh, một số trường trung học học tư thục đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính và sự sụt giảm gây đây của sinh viên đến từ Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Đồng thời, cũng có một số trường đang chia sẻ chi phí ăn ở và đi lại với học sinh, sinh viên nhằm tránh rủi ro giảm thiểu học sinh, sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, một tác động phụ của đại dịch đối với tuyển sinh quốc tế là trên thực tế, hiện nay sinh viên đang nộp đơn vào nhiều trường hơn trước, trong đó sinh viên nộp đơn vào các trường đại học ngay trong khu vực, nơi có chung lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ, cùng với đó là họ có thể tiếp cận với giáo dục với chi phí hợp lý hơn.

Nếu “ảnh hưởng của đại dịch” đối với giáo dục quốc tế kéo dài, các quốc gia và trường đại học thay thế có thể ngày càng trở nên phổ biến và dần thay đổi hiện trạng trong quá trình học tập của sinh viên. Một số quốc gia đã xây dựng kế hoạch rõ ràng vả khả thi cho giáo dục đại học. Những kế hoạch này được tài trợ kỹ càng để cải thiện và tiêu chuẩn hóa chất lượng học tập, tăng cường đầu ra nghiên cứu, xây dựng các khu vực trường học thân thiện với môi trường, mở các lớp học với ít nhất 2 ngôn ngữ và đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ trong ngành. Nhờ tầm nhìn rộng lớn này, các trường đại học ở Hà Lan, Đức và Pháp; Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và Saudi Arabia đã liên tục thăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Nhìn chung, tại thời điểm hiện tại, các cố vấn giáo dục, cơ quan tài trợ, kiểm định viên và lãnh đạo các trường đại học cấp cao vẫn đang tiếp cận giao dục đại học quốc tế một cách thận trọng. Những công việc như tuyển dụng, giảng dạy, nghiên cứu và tạo quỹ học bổng đã chậm lại đáng kể. Mặc dù điều này hoàn toàn có thể hiểu được trong thời buổi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, song tình hình này cần phải được khắc phục sau dịch COVID-19. Du học chắc chắn là một trong những khía cạnh đáng quý nhất của giáo dục đại học đương đại, bất chấp thực tế là chỉ có 5% trong tổng số khoảng 240 triệu sinh viên tốt nghiệp trung học trên thế giới được tiếp cận với nó.

Đan Lê (Lược dịch từ Weforum)