Với những ý tưởng, nhu cầu du lịch khác biệt hậu COVID-19, mưa Huế cũng có thể là sản phẩm mới, thu hút khách (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Mới đây, các diễn đàn du lịch chia sẻ về những xu hướng mới lạ được hình thành. Trong đó, phải nhắc đến khách Trung Đông “ồ ạt” đến Ukraine vì mưa. Trong nửa đầu năm 2021, chỉ riêng du khách Saudi Arabia đến du lịch TP. Lviv, Ukraine đã tăng vọt từ 350 lượt, lên 14.000 lượt so với cùng kỳ. Chính việc tăng đột biến này đã giúp TP. Lviv dần hồi phục sau đại dịch.
Lý do thành phố này thu hút được thị trường mới này là được miễn visa, có đường bay thẳng giá rẻ và đặc biệt TP. Lviv đang có lượng mưa nhiều. Thành phố này trở thành nơi lý tưởng để dòng khách ở khu vực Trung Đông đến để trốn nóng. Nhiều chia sẻ được trích lại trên diễn đàn du lịch cho thấy nhiều điều thú vị. Có những điều quá quen thuộc với người này, song lại khác biệt, mới lạ, hấp dẫn với người kia. Mưa là một thứ gì đó thật xa xỉ với khách Trung Đông, nên họ hồi hộp và vui mừng khi nhìn thấy mưa.
Nói về mưa, chắc không địa phương nào trong cả nước, thậm chí trên thế giới như Huế. Mùa mưa ở Huế kéo dài, mưa liên tục. Không thể nào khác, bởi đây là hiện tượng tự nhiên. Chính cái kiểu mưa dầm, liên tục của Huế nên tạo ra những ý tưởng khai thác du lịch độc đáo. Tiếc là nhu cầu chưa có nhiều, chưa tìm thấy thị trường khách phù hợp.
Dịch bệnh tạo ra những xu hướng du lịch mới. Trong những thay đổi đó, mưa Huế cũng có thể là một sự hấp dẫn mới đối với nhiều thị trường khách. Như những vị khách ở Trung Đông, nơi được mệnh danh là vùng đất giàu có nhờ dầu mỏ. Nơi dư thừa cái nắng nóng, nhưng lại khan hiếm về mưa.
Nhu cầu là có, nhưng đưa được những thị khách đến đúng vị trí, thời điểm là điều không phải du lịch nơi nào cũng làm được. Nếu chỉ có mưa, nhưng visa không miễn phí, không có đường bay thẳng giá rẻ thì chưa hẳn 4.000 khách Saudi Arabia đến TP. Lviv, mà có thể sẽ đến nơi khác. Nói như thế để thấy, để thu hút khách đòi hỏi nhiều yếu tố về vận chuyển, chính sách thông thoáng, hạ tầng kết nối… dịch vụ, sản phẩm đôi khi lại trở thành thứ yếu.
Trở lại khả năng phục vụ của ngành dịch vụ tại Lviv, thành phố này thừa nhận đã rất lúng túng với dòng khách bất ngờ từ Trung Đông. Doanh nghiệp du lịch địa phương “trở tay không kịp”, gặp khó khăn ban đầu khi phục vụ những khách hàng mới này. Sự bắt nhịp nhanh ngay sau đó của TP. Lviv là một điểm cộng trong cách làm du lịch chuyên nghiệp cao, thích ứng trong tình huống phát sinh bất ngờ.
Liên quan đến khả năng đáp ứng, bắt nhịp nhanh đối với du lịch Huế trong trường hợp một ngày đó nào đó, những dòng khách mới tăng một cách đột biến liệu có bị động trong khả năng phục vụ. Điều này cần được nghĩ đến cho một “kịch bản” phát triển du lịch lâu dài. Trên thực tế, Huế đã định hướng thu hút những thị trường mới như Malaysia, Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng những khó khăn cũng đã được chỉ ra là những nhà hàng, cơ sở vật chất để đón những dòng khách theo đạo Hồi thì chưa.
Minh chứng cho sự thích ứng cũng đã được nhiều lần phân tích đối với khách Hàn Quốc vào thời điểm năm 2017. Thời điểm này, khách Hàn Quốc đến Huế chiếm đến 30% thị phần khách quốc tế, song Huế khá bị động, các nhà hàng phục vụ không đảm bảo, thiếu nhân lực phục vụ, đặc biệt là hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn biết tiếng Hàn.
Tổ chức Du lịch thế giới phân tích, du lịch sẽ có sự chuyển dịch liên tục giữa các điểm đến, vùng miền. Mọi điểm đến trên thế giới đều có cơ hội thu hút khách như nhau trong thế giới phẳng. Điều quan trọng là điểm đến sẽ tạo ra những giá trị gì để du khách lựa chọn. Trung Đông là thị trường tiềm năng, có mức chi tiêu cao. Biết đâu một ngày không xa, Huế là điểm đến được lựa chọn để tránh nóng mới của thị trường này. Cùng với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc trưng, nổi bật của Huế sẽ gây ấn tượng tốt cho khách.
Bài, ảnh: Quang Sang