Phát triển các vùng lúa chất lượng cao ở Phú Vang

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, do dịch COVID-19, sức mua từ khách hàng ngoại tỉnh giảm, trong lúc năng suất lúa cao hơn mọi năm (60 tạ/ha), giá lúa vụ hè - thu chững lại. Ngoài những vùng lúa liên kết với các công ty, bán lúa tươi, Phòng NN&PTNT và chính quyền các cấp đã vận động, tuyên truyền người dân tăng cường phơi khô lúa, thực hiện bảo quản dài hơi, chờ ổn định giá, giảm thiểu ảnh hưởng. Huyện cũng đã đề xuất để các DN, thông qua các HTX, liên kết với người sản xuất, đồng thời hỗ trợ một số mô hình giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao ở xã Phú Gia, thị trấn Phú Đa…

Các xã Phú Lương, Phú Hồ, Vinh Hà, Phú Gia… là những đơn vị đã có các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa, bước đầu gặt hái thành công dù chỉ thực hiện với diện tích và quy mô nhỏ. Phú Hồ đã có thương hiệu gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP với diện tích 150ha. Phú Lương đang trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ với diện tích 50ha. Vinh Hà đang xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao với diện tích 200 - 300ha…

Xuất phát từ “nền móng” đó, UBND huyện Phú Vang đang dự thảo xây dựng kế hoạch thực hiện đề án ‘‘Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp, hàng hóa theo chuỗi giá trị’’, tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân; đồng thời đảm bảo cho hệ thống sản xuất bền vững.

Theo đó, địa phương sẽ xây dựng và thực hiện các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đủ lớn. Diện tích sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đạt khoảng 384,9ha (lúa: 352,9ha và rau màu các loại: 32ha) chiếm 1,77% tổng diện tích gieo trồng của toàn huyện. Xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của địa phương như: Gạo, nấm rơm, thủy sản, rau an toàn, mắm và nước mắm… Phát huy giá trị các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản phẩm sản xuất thông thường. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, ưu tiên kết nối tiêu thụ nông sản với các DN dịch vụ trên địa bàn huyện.

Đối với các sản phẩm rau màu, huyện đang quy hoạch và xây dựng các vùng rau quy mô lớn đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP tại Phú Mỹ, Vinh Thanh để cung ứng ra thị trường. Thành lập các tổ sản xuất để sau này kết nối với các đơn vị đăng ký phát triển du lịch trên địa bàn huyện (các khu nghỉ dưỡng vui chơi giải trí đang xây dựng tại Vinh Xuân, Vinh Thanh), cung ứng sản phẩm.

Bên cạnh thế mạnh về sản xuất lúa, rau màu, Phú Vang tiếp tục phát huy thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Thời gian qua, dù dịch COVID-19, nhưng sản phẩm do nuôi trồng, đánh bắt vẫn tiêu thụ ổn định.

Người dân chủ yếu nuôi xen ghép, cung cấp ra chợ đầu mối và thị trường trên địa bàn tỉnh với số lượng phù hợp. Bên cạnh đó, có sự kết nối của tỉnh và Sở NN&PTNT, Phú Vang đã cung ứng mặt hàng thủy sản vào thị trường Đà Nẵng.

Để phát triển thế mạnh này bền vững, trong dự thảo kế hoạch thực hiện đề án ‘‘Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp, hàng hóa theo chuỗi giá trị’’, huyện Phú Vang đề ra nhiệm vụ xây dựng diện tích nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trên 122,4ha, chiếm khoảng 5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ của địa phương. Trong đó, nuôi một số loài thủy đặc sản nước lợ có giá trị kinh tế như tôm, cua, cá dìa, cá nâu, cá kình.

Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm trên 1ha đất nuôi trồng thủy sản cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản phẩm nuôi khác, tại các đơn vị có diện tích nuôi ven phá, mỗi đơn vị diện tích khoảng 10ha. Đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ chế biến, bao bì, xúc tiến thương mại, kết nối bán hàng, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm. Trước mắt, huyện lựa chọn Vinh Hà là đơn vị có hợp tác xã chuyên về nuôi trồng thủy sản.

“Đối với đánh bắt, 6 tháng đầu năm sản lượng “chững” lại do những nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, sau đó ngư dân Phú Vang đã tăng tốc ra khơi bám biển, sản xuất. Vừa qua, được mùa cá nục và một số loại cá khác, đến nay sản lượng đạt 85% so với kế hoạch. Phấn đấu đến cuối năm sẽ đảm bảo sản lượng theo kế hoạch của huyện...”, ông Nguyễn Văn Tân thông tin.  

9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 426,3 tỷ đồng, đạt 121,3% kế hạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 2.316 tỷ đồng, đạt 83,26% kế hoạch; giá trị sản xuất đạt 4.684 tỷ đồng, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 22.590 tấn…

Bài, ảnh: Quỳnh Anh