Quá tải thông tin về COVID-19 có thể gây ra căng thẳng không cần thiết. Ảnh minh họa: AFP/Thanh Niên
Theo đó, tình trạng quá tải thông tin xảy ra khi cá nhân tiếp xúc với một khối lượng dữ liệu vượt quá khả năng xử lý của bản thân. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, chẳng hạn như trí nhớ kém, khả năng tiếp nhận, hiểu các thông tin quan trọng yếu và tình trạng giảm năng lực trí tuệ ngày càng nghiêm trọng.
Vấn đề xuất hiện qua dữ liệu khảo sát
Tại Singapore, một cuộc khảo sát trực tuyến được giới chuyên gia thực hiện tại Trường Truyền thông và Thông tin Wee Kim Wee hồi tháng 8 vừa qua chỉ ra rằng, 30% trong tổng số 674 công dân và thường trú nhân Singapore được thăm dò đã báo cáo tình trạng quá tải thông tin COVID-19.
Theo kết quả tổng hợp, số người thường xuyên sử dụng các trang web tin tức ở Singapore tăng nhẹ, tức tăng khoảng 7% từ đợt khảo sát đầu tiên diễn ra vào năm 2020 cho đến đợt khảo sát thứ 2 diễn ra vào tháng 6/2021.
Mặc dù đây là một sự phát triển đáng khích lệ, bởi ngày càng có nhiều người đón đọc thông tin từ các nguồn tin đáng tin cậy và giữ cho bản thân luôn trong trạng thái được update tin tức mới nhất, song cũng chính điều này đã góp phần làm gia tăng tình trạng quá tải thông tin liên quan đến đại dịch.
Bằng nhiều cách, Singapore được cho là sẽ dễ xảy ra tình trạng quá tải thông tin hơn. Bởi đất nước này là một trong những nơi có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, tốc độ truy cập cũng vào hàng nhanh nhất. Nghĩa là người dân Singapore nhận được thông tin khá nhanh chóng và dễ dàng truy cập thông tin trong và ngoài nước.
Người dân Singapore cũng nằm trong số những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tích cực nhất trên thế giới giai đoạn tiền COVID-19, với xu hướng này đang ngày càng phổ biến khi người cao tuổi và nhóm dân số dễ bị tổn thương được khuyến khích trải nghiệm mạng nhiều hơn để chống lại sự buồn chán, trầm cảm.
Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số năm 2021 cho Singapore, được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho thấy, 88% trong tổng số hơn 2.000 công dân Singapore tham gia khảo sát vào tháng 1 sử dụng ứng dụng Whatapps, trong khi 70% là dùng Facebook và 73% dùng Youtube.
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông xã hội này, thông tin đáng tin cậy từ các cơ quan chức năng, cũng như các cập nhật cá nhân có thể tin tưởng được lại xuất hiện đồng thời với các thông tin sai lệch và các biện pháp chữa bệnh tại nhà không an toàn, hay những thuyết âm mưu liên quan đến vaccine... Những điều này làm gia tăng lượng thông tin khá lớn, đòi hỏi người đọc cần sàng lọc và xử lý.
Nhiều loại thông tin
Bỏ qua vấn đề về khối lượng thông tin, loại thông tin mà người dùng tiếp xúc có thể làm chính mọi người mất phương hướng.
Quá tải thông tin có thể xảy ra nếu người dùng không thể tập trung, hoặc khó hiểu với thông tin mới.
Hậu quả của vấn đề quá tải thông tin là rất nghiêm trọng, như mệt mỏi, lo lắng hoặc thất vọng, thậm chí làm tăng mức độ căng thẳng.
Trong cuộc khảo sát gần đây của giới chuyên gia, những người đối mặt với quá tải thông tin cao có thái độ tiêu cực hơn đối với vaccine COVID-19.
Thêm vào đó, theo dữ liệu có được từ các cuộc khảo sát thực hiện ở Singapore trong vài tháng đầu tiên của đại dịch, những người báo cáo bị quá tải thông tin thường có nhiều khả năng sẽ tin vào các thông tin sai lệch về COVID-19.
Lựa chọn nguồn tin kỹ lưỡng
Vậy cần làm gì đối với vấn đề này?
Trước tiên, khi nói đến thông tin về COVID-19, hãy ưu tiên những nguồn tin đáng tin cậy.
Tập trung vào các nguồn thông tin hợp pháp, chẳng hạn như thông tin từ các chuyên gia y tế có thẩm quyền – những người làm nghiên cứu từ bằng chứng khoa học và các tổ chức cung cấp tin tức chịu trách nhiệm về thông tin mà họ công bố.
Thứ hai, thường xuyên tạm ngừng sử dụng, giải trí trên mạng xã hội.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi con người có xu hướng sử dụng mạng xã hội để thoát khỏi guồng quay công việc bận rộn. Mệt mỏi, lướt Facebook; Buồn tẻ, chuyển sang giải trí với TikTok; hay lướt Instagram, Youtube trong thời gian rảnh, giải lao...
Song chính việc tìm kiếm các hình thức giải trí từ các nền tảng này lại khiến người dùng tiếp xúc nhiều hơn với những yếu tố góp phần gây ra tình trạng quá tải thông tin.
Thử trải nghiệm “cai mạng xã hội” 1 – 2 lần/tuần có thể sẽ giúp giảm bớt tình trạng quá tải thông tin mà người dùng đang gặp phải.
Cuối cùng, sẽ là rất hữu ích nếu mọi người chọn lọc, loại bỏ những thông tin được cho là không cần thiết. Ưu tiên tham gia truy cập, thu thập và tiếp nhận thông tin từ những người, những nguồn tin có cùng chí hướng.
Ví dụ: Nếu chúng ta không chắc chắn về việc tiêm vaccine, chúng ta không nên chỉ trao đổi với những người cùng hoài nghi, hoặc chống lại hành động tiêm vaccine. Hãy xem xét trao đổi với bác sĩ, hoặc những người đã tiêm chủng. Điều quan trọng là không nên để tình trạng quá tải thông tin khiến chính bản thân mình trở nên không sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng, thông tin mới.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)