Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia vui cùng gia đình hộ nghèo trong căn nhà mới ở khu tái định cư Hương Sơ (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: Thái Bình

Thời khắc lịch sử

Do quá trình lịch sử di dân trong thời gian chiến tranh giai đoạn 1945 - 1975 từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên đã hình thành khu dân cư sinh sống trên di tích Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và các công trình di tích thuộc Khu vực I Kinh thành Huế.

Hầu hết các hộ dân sinh sống ở đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp. Nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào. Vì vậy, nhà ở tại khu vực này không được xây dựng, sửa chữa lớn. Người dân sống ở đây lại chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần là hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Điều quan trọng nhất là ảnh hưởng cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến Quần thể di tích Cố đô Huế. Nguyện vọng thiết tha của bà con là sớm được di dời, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp, trả lại đất cho di tích.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện việc di dời người dân về nơi ở mới, với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, công tác di dời hàng ngàn hộ dân trong giai đoạn 1 của Dự án đã và đang chuẩn bị về đích vào cuối năm 2021. Đây là tiền đề quan trọng để Thừa Thiên Huế triển khai giai đoạn 2 của dự án trong những năm tiếp theo.

Để có được những kết quả quan trọng trên, ngay từ năm đầu thực hiện dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” 2019. Kế hoạch nêu rõ, phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ giải tỏa, tái định cư và tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, nhất là trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ giải tỏa. Yêu cầu quan trọng đặt ra là phải đáp ứng kịp thời công tác bàn giao mặt bằng; đồng thời, phải sớm ổn định tái định cư, sinh hoạt, chăm lo đời sống cho các hộ nghèo thuộc diện giải tỏa, thu hồi…

Phải thực sự “nghe dân nói, nói dân hiểu, hiểu dân nói”; phải biết tiếp thu, lắng nghe xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân là những nội dung quan trọng đặt ra trong công tác dân vận chính quyền ở thời điểm quan trọng này. Muốn vậy, vấn đề đặt ra cần phải có cách thức hiệu quả, đi sâu vào thực chất, đảm bảo đồng bộ, hệ thống, “hiểu dân nói” và phản hồi để “dân hiểu”, từ đó, dân tin và dân sẽ làm theo...

Từ những yêu cầu thực tế, việc triển khai thực hiện Dự án di dời, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, với 3.222 hộ dân tại các khu vực Eo Bầu, Hộ Thành hào, Tuyến phòng lộ, Trấn Bình Đài, Hồ Tịnh Tâm… và giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ tái định cư khu vực 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 đảm bảo cho việc nâng cấp hạ tầng phục vụ Nhân dân tái định cư thuộc Khu vực I di tích Kinh thành Huế là việc làm không giản đơn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ gặp gỡ, động viên người dân Thượng thành sớm di dời trả lại mặt bằng cho di tích. (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: Thái Bình

Đối thoại, lắng nghe dân

Lãnh đạo tỉnh, TP. Huế đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân trong diện di dời, với hơn 2.500 lượt người dân tham gia; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát trực tiếp việc thi công, triển khai thực hiện. Các tổ công tác, khối dân vận cơ sở ở TP. Huế đã tiếp cận từng hộ gia đình, kiên trì vận động, thuyết phục, giúp người dân hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng; tập trung giải thích, vận động, thuyết phục nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và hạn chế tình trạng khiếu kiện của người dân.

Điều quan trọng là, thường xuyên củng cố, trang bị kiến thức đầy đủ, kịp thời cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện tác phong “gần gũi, giải thích, giải quyết” và “lắng nghe, làm ngay, làm hiệu quả”; tôn trọng ý kiến Nhân dân, nhất là những tâm tư, nguyện vọng chính đáng để kịp thời tổng hợp, kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết kịp thời.

Một trong những nhiệm vụ quyết định thành công của dự án, là sự vào cuộc rất quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP. Huế. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ diễn đàn Quốc hội, các cuộc họp Chính phủ để không ngừng thuyết phục, bảo vệ và chuẩn bị các đề án trình Quốc hội, Chính phủ nhằm tạo sự ủng hộ về cơ chế, chính sách, giải phóng mặt bằng, chủ trương, kinh phí từ Trung ương và tạo được lòng tin của người dân...

Nhờ vậy, giai đoạn 1 Dự án đã phê duyệt bố trí tái định cư cho 1.915 hộ, đã bốc thăm nhận đất 1.816 lô, đã cấp gần 1.200 giấy phép xây dựng… Riêng với các hộ nghèo không có điều kiện xây dựng nhà ở, lãnh đạo tỉnh, TP. Huế đã kêu gọi, vận động các “nhà hảo tâm yêu Huế” chung tay xây dựng và đến nay có gần 30 hộ nghèo đã được bàn giao nhà ở khang trang tại khu tái định cư; đã tập trung vận động nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương xây dựng nhà trẻ hiện đại, khu vui chơi giải trí và các tiện nghi khác, tiêu biểu là công trình trường mầm non Hương Sơ (giai đoạn 1) đã hoàn thành.

Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án, Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan cấp tỉnh nói chung, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị của TP. Huế nói riêng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác dân vận chính quyền, đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt cần phải thực hiện công khai, minh bạch để “dân biết”, “dân bàn”. Thường xuyên tiếp dân, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết những kiến nghị bức xúc chính đáng của Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với việc tiếp tục thực hiện Dự án.

Song hành là việc nâng cao chất lượng khu tái định cư, bảo đảm điều kiện kết cấu hạ tầng điện, nước, đường giao thông… thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân theo tinh thần nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ. Rà soát, xây dựng và điều chỉnh mức giá đền bù phù hợp; có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho những trường hợp chấp hành tốt và tự nguyện giao mặt bằng đúng thời gian quy định. Tập trung chỉ đạo rà soát lại tất cả các hộ dân chưa giải tỏa, di dời, bàn giao mặt bằng để phân tích làm rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lí và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho người dân sớm khởi công xây dựng, vào nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Những gì đạt được thời gian qua là bước đầu nhưng quan trọng, là khởi đầu cho sự khởi sắc của quê hương Thừa Thiên Huế với sự quyết liệt, đồng bộ và kiên trì trong hành động, với sức mạnh mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thừa Thiên Huế đã hội tụ được là đồng tâm của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của người dân, đồng cảm của Chính phủ và đồng hành của truyền thông. Thực hiện thành công Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế sẽ góp phần trả lại mặt bằng tại các điểm di tích bị xâm lấn, tạo tiền đề cho công tác trùng tu, bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế để gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị (khóa XII), phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…

Dự án di dời dân cư Khu vực 1 Kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 3.467 hộ dân; giai đoạn 2 (2022-2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 1.950 hộ dân.

Phan Ngọc Thọ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy