IMF và G20 kêu gọi giải quyết tắc nghẽn nguồn cung đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: Công an Nhân dân

Cụ thể, động thái được triển khai giữa lúc nhu cầu tăng đột biến, các nhà cung cấp không thể theo kịp khi các con tàu xếp hàng dài ngoài các bến cảng của Mỹ để chờ dỡ hàng, lạm phát tiêu dùng của Mỹ vẫn ở mức cao trong tháng 9 vừa qua, giá dầu toàn cầu cũng tăng hơn 80 USD/thùng – mức cao nhất trong nhiều năm và các gia đình Anh có thể sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong lễ Tạ ơn năm nay.

Những thách thức về nguồn cung toàn cầu là trọng tâm chính trong các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm G20, cũng như sự tham gia của các bộ trưởng tài chính Nhóm G7.

Các hạn chế đưa ra để chống dịch đã đóng cửa các tuyến đường sản xuất và thương mại, trong khi các nhà cung cấp, những người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân lao động và thiếu tài xế xe tải không thể theo kịp nhu cầu hàng hóa tăng đột biến khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.

Sự gián đoạn mà một số nhà hoạch định chính sách lo ngại có thể sẽ kéo dài đã cản trở đà phục hồi, khiến IMF phải cắt giảm dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn như Mỹ và Đức.

Các quan chức Nhóm G7 đã nhất trí hành động cùng nhau để giám sát, giải quyết khó khăn.

“Các vấn đề về chuỗi cung ứng đang được quan tâm trên toàn cầu và các nhà lãnh đạo tài chính trên toàn thế giới cần phải hợp tác để giải quyết những thách thức chung của chúng ta”, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định.

Trong một thông tin có liên quan, Ngân hàng Thế giới ước tính, 8,5% vận tải container toàn cầu đang bị đình trệ hoặc phải neo đậu xung quanh các cảng. Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với số liệu đưa ra hồi tháng Giêng.

Mối đe dọa từ lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Ignazio Visco nhất trí với IMF và những lãnh đạo khác rằng áp lực lạm phát chủ yếu là do những yếu tố ngắn hạn như sự gia tăng về nhu cầu và các vấn đề cung cấp.

Tuy nhiên, Thống đốc Ignazio Visco cũng thừa nhận rằng “những vấn đề này có thể sẽ phải mất vài tháng trước khi được giải quyết”.

Giám đốc các ngân hàng trung ương của Nhóm G20 đang nghiên cứu vấn đề này để xem liệu “có nhiều yếu tố mang tính cơ cấu đang hoạt động” trong đợt tăng lạm phát lớn hơn dự kiến này hay không và “liệu có thành phần nào có thể trở thành yếu tố vĩnh viễn hay không”.

Thông cáo của G20 cho biết, các ngân hàng trung ương “sẽ hành động khi cần thiết” để giải quyết vấn đề ổn định giá cả, cùng lúc cũng triển khai “xem xét áp lực lạm phát ở mức tạm thời”.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, sự tụt hậu trong tỷ lệ tiêm chủng để ngăn chặn đại dịch ở các quốc gia đang phát triển đang góp phần vào các hạn chế nguồn cung và “nếu vấn đề ngày càng phát triển rộng, nguy cơ gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cao hơn”.

Tại các nền kinh tế lớn, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/10 đã công bố sáng kiến nhằm giảm bớt tình trạng tồn đọng bằng cách thúc đẩy dịch vụ 24h tại các cảng và nhà cung cấp.

Tổng thống Mỹ Biden cũng cho rằng các chính sách phải được xây dựng để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung duy nhất, đồng thời thúc đẩy sản xuất trong nước để tránh những cú sốc nguồn cung như vậy.

“Không bao giờ để đất nước và nền kinh tế của chúng ta không thể tạo ra các sản phẩm quan trọng mà chúng ta cần. Không bao giờ để xảy ra tình trạng đất nước chúng ta phải phụ thuộc quá nhiều vào một công ty hay quốc gia nào khác nữa”, vị tổng thống nhấn mạnh.

Chủ đề này đã được nhắc lại bởi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, người đã trả lời các phóng viên bên lề những buổi họp rằng: “Câu trả lời nằm trong một từ: Độc lập”.

Đan Lê (Lược dịch từ France 24)