UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì và điều hành hội nghị.
Phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh
Khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, đây là hội nghị đầu tiên của Tỉnh ủy triển khai họp không giấy tờ, hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Đảng thời gian tới.
Thảo luận tại hội nghị
Về phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đánh giá sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 02; gần 9 năm thực hiện Kết luận 42 của Tỉnh ủy, diện mạo Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã có nhiều đổi thay, nổi bật là: Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; một số công trình, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư được triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy định. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Công tác cải cách hành chính, kiểm tra, giám sát được tăng cường, thường xuyên gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường... Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách; tăng cường tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc đầu tư phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong kêu gọi, thu hút và xúc tiến đầu tư, song vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá; số lượng nhà đầu tư lớn, các dự án FDI đầu tư vào Khu kinh tế còn ít.
Chỉ rõ hạn chế, đề ra các giải pháp
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá có 7 hạn chế, yếu kém cần nhấn mạnh trong Tờ trình. Đó là, về công tác quy hoạch; về bố trí nguồn lực; cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; công tác thu hút, xúc tiến đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng; về công tác phối hợp giữa Ban Quản lý, huyện Phú Lộc và các sở, ngành liên quan; về vai trò quản lý Nhà nước trên địa bàn KKT.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu, các đại biểu tham dự hội nghị cần phân tích, làm rõ, đi sâu vào các nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan về sự thiếu quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc phát triển khu kinh tế còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, nhất là trong giải quyết các thủ tục; thu hút, xúc tiến đầu tư; giải phóng mặt bằng và việc xử lý các sai phạm hành chính trong xây dựng, đất đai, môi trường.
Về phương hướng phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về mục tiêu, 6 chỉ tiêu chủ yếu ứng với mỗi giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tờ trình đã bảo đảm tính bao quát chưa? Có trọng tâm, trọng điểm và khả thi không? Nhất là các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư, thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, giải quyết việc làm, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng? Cần bổ sung thêm nội dung nào? Chính sách đột phá gì để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế? Các nhiệm vụ, dự án, công trình trọng điểm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt có bảo đảm tính khả thi, nguồn lực và quyết tâm hay không?.
Về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, đề nghị Tỉnh ủy phân tích, cho ý kiến làm rõ thêm những kết quả đạt được. Trong đó, cần lưu ý kết quả tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm liên tục qua các năm, từ 8,36% đầu giai đoạn xuống còn 3,45% vào cuối năm 2020. Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm là 0,98%, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo do Chính phủ giao 0,87%/năm và Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra 0,9%/năm... Qua đó, để thấy vai trò, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng xã hội đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc làm rõ những kết quả đạt được, hội nghị tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan về 7 hạn chế, yếu kém và 5 nguyên nhân chủ yếu trong Tờ trình của Ban Thường vụ. Đặc biệt là phân tích, đi sâu vào những nguyên nhân của những hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan vì sao tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang; trách nhiệm, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đến đâu; vì sao một bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại trong tự thoát nghèo, là do nhận thức của người dân hay cách làm của chúng ta, để từ đó có những giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian đến.
Về mục tiêu và các chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025, đây là những nội dung được xây dựng trên cơ sở căn cứ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và tình hình thực hiện của tỉnh. Ban Thường vụ đề nghị Tỉnh ủy cho ý kiến về mục tiêu và 3 nhóm chỉ tiêu chủ yếu trong Tờ trình, quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 - 2,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước.
Về nhiệm vụ và giải pháp, cần nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; việc phân công trách nhiệm. Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Công tác huy động nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện.
Hoàn thiện chính quyền điện tử
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thăm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh
Về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị Tỉnh ủy cho ý kiến, làm rõ thêm những kết quả đạt được; trong đó, tập trung đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin.
Ban Thường vụ đề nghị Tỉnh ủy tập trung phân tích, làm rõ 6 hạn chế chính đã nêu trong Tờ trình; trong đó, tập trung vào những hạn chế như: hạ tầng công nghệ thông tin nền tảng, các giải pháp tích hợp chia sẻ dữ liệu chưa đáp ứng. Công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức và thực hiện việc chuyển đổi số chưa được triển khai sâu rộng; doanh nghiệp, người dân chưa có sự chuyển biến, chưa thấy được lợi ích của công cuộc chuyển đổi số. Hoạt động kinh tế số chưa định hình rõ; doanh thu và đóng góp của kinh tế số vào tổng sản phẩm trên địa bàn không đáng kể; nguồn nhân lực cho kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ ra 3 nguyên nhân của hạn chế, đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, phân tích làm rõ, cần bổ sung, thêm bớt thêm nguyên nhân nào nữa. Từ đó, có thêm cơ sở để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi.
Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình, Ban Thường vụ đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Đề nghị các đại biểu nghiên cứu cho ý kiến mục tiêu như vậy đã đủ chưa? Có khả thi hay không? Cần bổ sung thêm, bớt nội dung gì? Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ban Thường vụ đã xây dựng 6 nhiệm vụ, giải pháp chính, đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận những giải pháp nêu trên đã xác đáng, đủ mạnh và khả thi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chuyển đổi số chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung nào của từng nhóm giải pháp nữa hay không?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, những nội dung trình hội nghị lần này là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là bước cụ thể hóa các chương trình trọng điểm và tiếp tục triển khai các chủ trương lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã đề ra.
Trên cơ sở những gợi ý, chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, hội nghị đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, đóng góp ý kiến, nhằm thực hiện hiệu quả hơn những nội dung các Tờ trình của Tỉnh ủy.
Tin, ảnh: Anh Phong