Du lịch nội tỉnh là thế mạnh của Huế thời gian gần đây

Hiện tại, chúng ta đã đi gần hết năm 2021. Gần hai năm qua (2020 và 2021) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng khách giảm đáng kể, đặc biệt là khách quốc tế. Riêng trong năm 2021, dòng khách quốc tế hầu như rất ít. Với tình hình dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát để phòng dịch từ các nguồn đến như hiện nay, dòng khách quốc tế chắc sẽ khó đã đạt cao như “chiếc lò xo bị nén lâu ngày” được! Tức là có thể nói khó kỳ vọng nhiều về nguồn khách này trong năm 2021. Bước qua năm 2022 thì càng khó dự đoán, nhưng những tia hy vọng cũng đã thắp lên, đó là độ phủ của vắc-xin và quyết tâm mở cửa nền kinh tế của Chính phủ - sống chung với COVID-19. Đấy là quyết tâm của chúng ta, còn khách có đến hay không là một việc khác. Tuy nhiên, nhiều nhà làm du lịch dự đoán dòng khách chỉ có thể phục hồi từ từ vì nhiều nước, nhiều địa phương chưa hẳn mở cửa hoàn toàn. Hơn nữa sau gần 2 năm đại dịch, mức thu nhập và tích lũy của người dân ở nhiều nước cũng bị sụt giảm, ngay cả những nước giàu có.

Như vậy, có thể hình dung chúng ta chỉ còn 3 năm rưỡi hoặc 4 năm, nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát tốt thì có thể chỉ còn 3 năm để đạt được con số chi tiêu của khách là 2,2 triệu đồng/khách.

Chưa biết thực tế sẽ diễn ra theo chiều hướng nào, nhưng theo người viết bài này, con số nêu trên không dễ gì đạt được. Vì mấy lẽ sau đây: Năm 2020, vì dịch bệnh nên không thể đem số liệu ra so sánh. Nhưng năm 2018, 2019 (điều kiện bình thường và có thể nói cũng là giai đoạn bùng nổ du lịch) nhưng theo thống kê, mức chi tiêu của khách đến Huế chỉ ở tầm 1 triệu đồng/lượt khách (lấy tổng doanh thu du lịch chia cho lượt khách). Nếu như chúng ta lấy con số là 4 năm (đến năm 2025), từ mức chi tiêu 1 triệu đồng/lượt khách lên mức 2,2 triệu đồng/lượt khách thì chúng ta phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/ năm. Con số này theo người viết rất khó đạt được. Thường mức chi tiêu nhiều thuộc về khách quốc tế, nhưng dòng khách này chưa thể dự đoán được là đến khi nào sẽ đạt mức ở thời điểm trước đại dịch. Về dòng khách nội địa, thường là mức chi tiêu thấp và Thừa Thiên Huế rất ít khi đạt mức lưu trú 2 ngày/khách. Một chỉ số nữa cũng cho thấy, đó là tăng trưởng ở lĩnh vực dịch vụ nói chung. Năm 2019, khu vực dịch vụ chỉ tăng 7,39%, dù riêng lĩnh vực du lịch ước chiếm tỷ trọng từ 30% - 40%. Năm 2020, như trên đã nói, đã không tăng mà còn giảm, ở mức 0,79%. Năm 2018, tỉnh cũng mức tăng trưởng ở lĩnh vực dịch vụ cũng chừng 8%. Đây là cơ sở để đặt câu hỏi về việc cơ sở nào để kỳ vọng mức chi tiêu của khách tăng trưởng ở mức bình quân trên 25%/ năm?

Cũng có một ít yếu tố làm cơ sở, nhưng đó là điều không chắc chắn. Ví dụ, về giải pháp là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng; tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh… Về cơ sở lưu trú, phấn đấu sẽ xây dựng được 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao; kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao…

Có thể nói, mức chi tiêu của khách du lịch đến Huế đạt mức không cao là vì chúng ta không có nhiều dịch vụ điểm đến bổ trợ như vui chơi giải trí. Phần lớn các cơ sở đón khách cũng chủ yếu là lưu trú, phục vụ ăn uống chứ ít có dịch vụ vui chơi… Chính vì vậy, số ngày lưu trú của khách cũng không cao. Hiện nay, chúng ta thấy nhiều cơ sở du lịch mở ra ngày càng có đẳng cấp hơn trước, điều này cũng phù hợp với thực tế là sự đòi hỏi chất lượng của khách ngày càng cao. Nhưng có cơ sở đẳng cấp hơn trước cũng không có nghĩa là lấy được giá cao hơn, vì tính cạnh tranh của ngành du lịch ngày càng lớn, cả trong nội tỉnh, ngoại tỉnh và vùng.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: ĐỨC QUANG