Đại diện lãnh đạo trong ban giám hiệu Trường THPT Nam Đông kiểm tra dữ liệu trên hệ thống TEMIS

Tiện lợi và khoa học

Là huyện vùng cao, nhưng các giáo viên tại A Lưới đã làm quen với việc số hóa dữ liệu, tải minh chứng lên hệ thống TEMIS. Cô giáo Võ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Ngo cho biết, thời gian đầu, có một số thầy cô gặp khó khăn, nhưng sau khi được tập huấn họ đã triển khai tốt.

Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế (một trong 8 trường sư phạm/học viện tham gia chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT), TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, CBQL CSGDPT thông qua thu thập thông tin và chiết xuất báo cáo về thực trạng bồi dưỡng thường xuyên và đánh giá giáo viên, CBQL CSGDPT theo chuẩn trong cả hệ thống giáo dục (theo từng tỉnh, huyện, trường và cá nhân). Hệ thống này hướng tới một số nội dung cơ bản như: Xu hướng phát triển nghề nghiệp, nhu cầu bồi dưỡng, sự đánh giá về chương trình bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ giáo viên, CBQL CSGDPT. “Trước khi áp dụng, chúng tôi cũng có phối hợp tập huấn với các Sở GD&ĐT, sau đó hướng dẫn lại cho các giáo viên”, đại diện Trường ĐH Sư phạm cho biết.

Hệ thống TEMIS giúp cơ quan quản lý các cấp, bao gồm: Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các trường phổ thông thu thập đầy đủ các thông tin trực tuyến về: Xu hướng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và CBQL CSGDPT dựa trên đánh giá theo chuẩn. Theo dõi và ghi lại đánh giá của giáo viên và CBQL CSGDPT về các chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, cũng thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và CBQL CSGDPT làm căn cứ cho việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh chương trình, tài liệu và các phương thức tổ chức học tập, hỗ trợ bồi dưỡng.

Cán bộ, giảng viên chủ chốt Trường ĐH Sư phạm tăng cường tập huấn, giúp giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Từ khi áp dụng TEMIS, nhiều đơn vị quản lý và các trường học đều cho rằng hệ thống mang lại sự tiện lợi và khoa học. Theo đại diện lãnh đạo một số trường tại TP. Huế, thông tin dữ liệu vừa cụ thể, chi tiết, lại vừa có tính tổng quan nên rất thuận lợi trong công tác quản lý. Nhìn vào hệ thống có thể thấy ngay đội ngũ của mình mạnh ở những tiêu chí gì để phát huy, hạn chế ở tiêu chí gì để điều chỉnh, hoàn thiện. Dưới góc độ quản lý, bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới cũng cho rằng, hệ thống TEMIS dễ quản lý, theo dõi, giám sát tất cả các dữ liệu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức của các trường.

Theo nhiều giáo viên, với hệ thống TEMIS, thuận tiện nhất là việc lưu trữ. Giáo viên có thể truy cập, theo dõi, sử dụng dữ liệu bất kỳ lúc nào cần thiết mà không phải tìm kiếm lại. Hệ thống TEMIS có tính khoa học cao, biểu đồ đánh giá cho phép nắm được ngay vấn đề đã làm tốt, vấn đề cần thúc đẩy, giải quyết. Đối với nhà trường, chính nhờ hệ thống này mà đơn vị thấy rõ được khó khăn khi hoàn thiện một số tiêu chí về cán bộ quản lý cốt cán, ngoại ngữ và công nghệ thông tin… “Từ hệ thống TEMIS có thể liên thông các cấp trong hệ thống. Thông thường hằng năm phải bổ sung hồ sơ biến động, nhờ hệ thống TEMIS giúp tiết kiệm thời gian, dễ dàng cập nhật thông tin, đỡ lưu giấy bất tiện”, thầy giáo Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông đánh giá.

Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2020, đã có 57/63 Sở hoàn thành công tác đánh giá theo Thông tư 14 (Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT) và Thông tư 20 (Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT) Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018, bao gồm tải minh chứng lên lên hệ thống công nghệ thông tin. Năm 2021, 63/63 Sở GD&ĐT đang triển khai công tác đánh giá. Đã sang năm thứ 2 thực hiện, công việc đã giảm tải, thuận lợi hơn rất nhiều đối với giáo viên, và chỉ bao gồm cập nhật các minh chứng mới, để cập nhật hồ sơ của giáo viên. Khảo sát trên diện rộng cho thấy giáo viên phản ánh có một số khó khăn trong năm đầu, sang năm thứ hai, đã rất thuận lợi.

Công khai, minh bạch năng lực đội ngũ

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục tại Huế, thông tin trên hệ thống tin cậy, các số liệu chính xác, rõ từng tiêu chí, giúp đơn vị quản lý có được cái nhìn tổng quan về năng lực đội ngũ, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tế.

Công tác đánh giá đội ngũ giáo viên và CBQL CSGDPT theo chuẩn là nhằm mục đích theo dõi, đánh giá sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên và CBQL CSGDPT trong cả hệ thống giáo dục, từng tỉnh, từng huyện, từng trường và từng cá nhân, làm căn cứ cho việc xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng. Theo đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất nghề nghiệp; quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Giáo viên các trường vùng cao ở Huế cũng thường xuyên ứng dụng công nghệ vào giảng dạy

Giáo viên được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất nhà giáo; phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục.

Kết quả đánh giá giáo viên và CBQL CSGDPT theo chuẩn trên hệ thống TEMIS là căn cứ để đánh giá chất lượng, hiệu quả và cập nhật các chương trình bồi dưỡng thường xuyên của các địa phương và của Bộ GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới giáo dục.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, hiện nay, hệ thống TEMIS được Bộ GD&ĐT áp dụng tạm thời là phiên bản 1.0 do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (VIETEL) hỗ trợ miễn phí xây dựng. Theo lộ trình, hệ thống TEMIS sẽ được liên thông và bổ sung cho Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đã được Bộ GD&ĐT triển khai trong những năm gần đây.

TS. Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban quản lý Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) cho rằng, tất cả các ngành đang thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong quản lý. Bộ GD&ĐT cũng đang thực hiện những nỗ lực trong Chương trình của Chính phủ: Tin học hóa công tác quản lý giáo viên và CBQL CSGDPT, triển khai thông tư 14 và Thông tư 20, tổ chức cho giáo viên và CBQL CSGDPT tự đánh giá trên cơ sở minh chứng minh bạch. Việc này giúp quản lý hồ sơ đầy đủ hằng năm, đảm bảo minh bạch cập nhật dễ dàng, tránh việc phải lưu giữ hồ sơ in, tránh lãng phí, mất nhiều công sức. Các cấp quản lý thông qua hệ thống công nghệ thông tin kiểm tra, giám sát dễ dàng, đặc biệt hiệu quả trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài ở nhiều địa phương.

Bài, ảnh: Hữu Phúc