Thầy giáo Hồ Xuân Pin
Thầy Pin kể, mình tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế năm 1994, lên dạy học ở Trường tiểu học Thượng Nhật 3 năm thì chuyển về Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nam Đông. 26 năm công tác ở đây, chủ yếu làm nghề xóa mù chữ, phổ cập tiểu học.
Năm 2021 này, vừa xong 2 lớp xóa mù ở thôn 5 và thôn 6, thầy giáo Pin lại tiếp tục với lớp xóa mù tại thôn 7 xã Hương Hữu. Không như trước đây, các lớp xóa mù hiện nay không chỉ chương trình học mà thời gian học cũng đã “chính quy hóa”, kéo dài 5 năm, tương đương với bậc học tiểu học. Ngoài đối tượng là người lớn tuổi, có trình độ chênh lệch, phải học vào ban đêm, lớp xóa mù ở vùng cao còn có khó khăn là bà con dân tộc ít người, có trường hợp còn chưa thông thạo được tiếng Việt. Lớp học hiện tại của thầy giáo Pin có đến 20 học viên, người có tuổi cao nhất lên tới 52 tuổi.
Khó nhất đầu tiên là “kéo” học viên tới lớp. Thầy Pin cùng với đồng nghiệp “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Không dễ dàng khi là chuyện cơm áo gạo tiền xoay vần, rồi nhận thức chưa thông và cả những tế nhị, đi học… chồng ghen! Đến lớp cũng lắm khó khăn. Có chị học viên làm rẫy về, vội vàng bữa ăn tối là tay cầm sách vở, lưng cõng con dại chạy ù đến lớp… học cho tới tận 10 giờ đêm. Đáng mừng là lớn tuổi nhưng siêng lắm, thầy Pin bảo đó cũng là động lực để thầy vui và hăng hái với việc “gieo chữ”. Phòng học là nhà họp thôn, được trung tâm trang cấp đầy đủ thiết bị dạy và học, điện chiếu sáng. Học viên cũng được hỗ trợ sách vở và bút viết.
Dạy mù chữ và phổ cập khó, càng khó hơn khi học viên là người dân tộc ít người. Thầy Pin chia sẻ, muốn học tập có kết quả tốt, người thầy phải có kỹ năng sư phạm tốt và am hiểu học trò. Ngay từ lớp vỡ lòng, thầy Pin đã kiên trì hướng dẫn học viên học thuộc chữ cái, cách phát âm chuẩn và khả năng ghép vần. Môn toán sau đó, phải rèn luyện thành thạo kỹ năng “giải toán có lời văn”. Phải từ từ, không được nóng vội để học viên “thấm dần” kiến thức và kỹ năng.
Các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học do thầy Pin đảm nhiệm có số học viên ngày càng đông. Tôi đã gặp nhiều người trong số đó, họ đến các lớp xóa mù hôm nay với những mục tiêu rất thực tế. Họ muốn biết chữ để ký được tên mình mà không phải lăn tay ở các văn bản, đơn từ. Họ muốn biết chữ để nghe điện thoại và gửi tin nhắn, biết mặt con chữ để… hát karaoke. Hơn thế, nâng cao kiến thức và hiểu biết về mọi mặt để khỏi tụt hậu. Còn nữa là được hòa mình trong lớp học vui vẻ và ngập tràn yêu thương do thầy giáo Hồ Xuân Pin phụ trách.
Theo thầy giáo Tô Chỉnh, Tổ trưởng Xóa mùa chữ - Phổ cập tiểu học, không chỉ chuyên môn vững và tận tâm với học trò, thầy Pin còn là người kết nối các thầy cô giáo vùng xuôi với cán bộ, học viên vùng cao. Thầy Pin khiêm tốn bảo, ưu thế của tôi là hiểu rõ và dễ tiếp xúc với học viên. Họ ham học nhưng hay e ngại, còn thụ động, rất cần sự động viên. Trong trường hợp học viên không hiểu nghĩa, tôi dùng tiếng Cơ Tu để giải thích. Ví dụ, từ “song song” rất khó giải thích bằng tiếng Việt, nhưng dịch qua tiếng Cơ Tu là họ hiểu ngay.
Thầy Hồ Xuân Pin kể nhiều về những người học trò. Thầy tự hào khi nhắc đến học viên Vương Thị Tóc (thôn 5, xã Hương Hữu) tuổi đã trên 60 vẫn kiên trì bám lớp, học viên Nguyễn Thị Hạnh (thôn 6) học tốt, nhận được giấy khen của trung tâm, hay học viên Vương Thị Mơ Lốc (thôn 5) rất vui khi lần đầu tiên gửi được tin nhắn từ điện thoại cho người thân. Còn với tôi, thầy giáo Pin có “nụ cười tỏa nắng” và sự chất phác, chân thành, lại như hiểu hơn vì sao thầy giáo người dân tộc Cơ Tu này được đồng nghiệp tin tưởng và học viên kính trọng.
Bài, ảnh: Huế Thu