Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Anh hùng và Chiến sĩ thi đua nông nghiệp năm 1957. Ảnh: moha.gov.vn

Ngày nay, bệnh quan liêu xuất hiện trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo biến chất và được xem như một căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng đó dễ làm cho người ta kiêu ngạo, xa rời dân chúng, không chịu trau dồi năng lực, dần mất niềm tin với mọi người xung quanh.

Quan liêu trái ngược hoàn toàn với khiêm tốn, giản dị, có ý thức với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đặc trưng của quan liêu là tác phong hành chính giấy tờ, qua loa, vô cảm, tắc trách, làm việc hình thức, không đúng thực chất. Bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào những biểu hiện của nó đều là tiêu cực, thường bộc lộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Biểu hiện rõ nhất là làm việc thiếu khoa học, không căn cứ vào thực tế, bất cần hậu quả. Trong đó tai hại nhất là những người có trách nhiệm dự thảo hoặc có thẩm quyền trong ban hành chủ trương, chính sách, quy định nhưng thiếu điều tra, nghiên cứu thấu đáo nên tham mưu hoặc ban hành những chính sách, quy định kém hiệu quả, không phù hợp với thực tế. Vậy nên mới có chuyện những cơ quan tham mưu phát hành văn bản pháp quy kém hiệu lực, bị dư luận phản đối, buộc phải phải thu hồi hoặc sửa đổi. Những chuyện tiếu lâm khi nói về chính sách như cộng điểm thi đại học với người tham gia tiền khởi nghĩa (?); số huy chương khi xét danh hiệu của nghệ sĩ…

Dư luận mỉa mai khi nói về các văn bản phát hành trong “phòng lạnh”, “bàn giấy” được xem như những “quy định trên trời”, không xuất phát từ thực tế. Lỗi đó có thể là sai sót từ một nhóm hay tập thể, nhưng nguyên nhân chính là từ sự quan liêu của những cá nhân có trách nhiệm phải dự kiến, dự báo trước tình hình để chủ động đề ra chính sách, quy định tốt nhất. Người ta đã quan liêu đến mức “được chăng hay chớ”, chỉ khi không có khả thi, hậu quả, tác hại xảy ra mới cuống cuồng chạy theo xử lý khắc phục thì đã muộn.

Một trong những tiêu chí tạo nên uy tín của người cán bộ là phong cách thân thiện, gần gũi, hòa đồng với đồng chí, đồng nghiệp và Nhân dân. Trong thực tế có không ít cán bộ sau khi có tí chức quyền đã nhanh chóng thay đổi phong cách, thể hiện hơn người, xem thường cấp dưới và quần chúng. Mới ít ngày trước đó họ còn rất bình dân, sống chan hòa với mọi người, nhưng mới đó đã tỏ ra “bề trên”, xem cấp dưới là “thuộc cấp”.

Lại có kiểu lãnh đạo thường chú trọng trau chuốt hình thức bề ngoài, tác phong tỏ ra đạo mạo, cố tạo khác biệt hơn người. Một ví dụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phê phán: Khi ra đồng kiểm tra sản xuất lại đi giày bóng lộn, quần áo là lượt, có người đi theo che dù, xách cặp, đứng trên bờ hỏi người nông dân vài câu qua quýt cho xong việc. Không ít cán bộ về làm việc với địa phương lại “trống giong cờ mở”, khẩu hiệu rợp trời, huy động người đón tiếp kiểu như nghi thức ngoại giao. Khách và chủ cùng chung bệnh hình thức đã tạo nên hình ảnh phản cảm trong con mắt của bên ngoài nhìn vào. Từ nhiều năm nay, quan điểm của Đảng là “Lấy dân làm gốc” nhưng nhiều nơi dân chúng vẫn than phiền về cán bộ sống xa dân, không hiểu đời sống của dân, thiếu đối thoại hoặc làm việc không phải “vì dân”. Đó chính là vấn đề nhạy cảm, trái với quan điểm của Đảng, họ không còn là “công bộc”, “đầy tớ” mà thành “bề trên” của dân từ tác phong quan cách đó.

Những hiện tượng đã nêu dù chỉ là thiểu số nhưng nếu để kéo dài, không sớm được khắc phục sẽ tích tụ, tạo ra khoảng cách, làm mất lòng tin của người dân đối với hàng ngũ lãnh đạo, cao hơn là lòng tin với Đảng và chế độ.

Quan liêu xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của người lãnh đạo. Quan liêu là biểu hiện không lành mạnh trong một bộ phận cán bộ, là căn bệnh khá nguy hiểm trong Đảng và hệ thống chính trị. Đảng ta đang gánh vác sứ mệnh lãnh đạo toàn diện đất nước nên không cho phép cán bộ, đảng viên quan liêu trong mọi lĩnh vực, hoàn cảnh. Văn kiện Đại hội Đảng 13 đã đề cập: “Tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy Đảng, Nhà nước suy yếu, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước bị xói mòn”. Cần phải sớm loại bỏ bệnh quan liêu ra khỏi đời sống chính trị, nhất là những người lãnh đạo.

Giải pháp hữu hiệu nhất là thường xuyên thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12), Chỉ thị 05, Kết luận của Bộ chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Yêu cầu cao nhất là mỗi hành động, cư xử của người cán bộ phải đi vào thực chất, tạo uy tín thực sự, chống biểu hiện quan liêu.

Khi đã là người “công bộc”của dân thì mục tiêu cao nhất là “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Không thể vì có chút chức vụ mà quan liêu xa rời quần chúng, quên trách nhiệm “người đầy tớ” như Bác Hồ từng căn dặn. 

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH