du lịch sẽ sớm sôi động trở lại (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Doanh nghiệp lữ hành trở lại

Ngày 18/10, Vietravel chi nhánh Huế chính thức mở cửa hoạt động trở lại sau gần 60 ngày tạm dừng vì dịch bệnh. Gần như toàn bộ nhân viên của chi nhánh đã đến công ty. Trụ sở cũng được sửa chữa, làm vệ sinh sạch sẽ. Ai cũng thể hiện sự vui mừng trên khuôn mặt.

Một nhân viên Vietravel chi nhánh Huế kỳ vọng, nếu tái diễn như đợt dịch SARS 2003, thì du lịch sắp đến đây sẽ là “chuỗi sóng” rất mạnh, sau thời gian bị kìm nén. Đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức đáng kể và chưa từng có, lần đầu tiên trong hơn 10 năm đi làm, du lịch có khái niệm “nghỉ hè”. Bây giờ, phải thức dậy với một cảnh tượng “sôi động” mới; một giai đoạn bình thường mới, sẵn sàng đón dòng khách nội địa dịp cuối năm và khách quốc tế dự kiến trong năm 2022.

Không chỉ có Vietravel chi nhánh Huế mà nhiều đơn vị lữ hành khác cũng có những bước chuẩn bị mới cho giai đoạn phục hồi sắp đến. Lướt một vòng fanpage của các công ty lữ hành trong tỉnh, thật sự vui mừng khi nhiều công ty đã tiến hành quảng bá, bán tour tuyến trở lại.

Anh Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế chia sẻ, trong giai đoạn chờ đợi khách nội địa và quốc tế trở lại, các tour ở các điểm nghỉ dưỡng trong tỉnh tiếp tục được duy trì để bán cho du khách. Nhiều du khách vẫn lựa chọn du lịch tại chỗ, để tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm các điểm đến văn hóa, lịch sử, cảnh quan và dịch vụ mới trong khu vực mình đang sinh sống. Điều này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, các nhóm cộng động ở địa phương. Thời điểm này, giữa lữ hành và điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến có sự liên kết rất chặt chẽ. Tất cả đều muốn “nắm chặt tay” để tạo thành một sức mạnh lớn hơn vượt qua giai đoạn khó và trở lại tốt nhất có thể.

Ông Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, dù chưa thật sự sôi động, song du lịch Huế đang được “hâm nóng” dần trong thời gian ngắn vừa qua. Hiện hội đang lên kế hoạch để hình thành các “liên minh” kích cầu mới, dựa trên xu hướng của du khách. Đồng thời, chủ động hợp tác với các địa phương, nhất là các doanh nghiệp hai đầu đất nước để chủ động nguồn khách khi du lịch nội địa trở lại.

Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, trong thời gian tới hoạt động du lịch không thể diễn ra tự do, tự phát như trước mà cần sự kiểm soát, các tour khép kín, “bong bóng du lịch”, cùng các điều kiện để hoạt động khác so với trước đây. Do đó, vai trò của các đơn vị lữ hành sẽ lớn hơn trong xây dựng tour tuyến, vận hành tour đảm bảo được tính an toàn. Thời gian đến, khi có sự đồng bộ giữa các địa phương, tạo được “luồng xanh” cho khách du lịch thì các công ty lữ hành sẽ đi tiên phong, kết nối các đơn vị và xây dựng phương án tổ chức an toàn cho từng chương trình du lịch cụ thể.

Sẽ có những phương án dự phòng rủi ro khi du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Chuẩn bị các phương án rủi ro

Đối với các điểm du lịch trong toàn tỉnh, khách sạn ở trung tâm TP. Huế, vào các ngày cuối tuần, đặc biệt trong dịp 20/10, lượng khách sử dụng dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng tăng đáng kể. Điều này đã phần nào giúp các điểm nghỉ dưỡng, khách sạn duy trì hoạt động, tạo thêm động lực, bước chạy đà hoàn hảo cho sự trở lại năng động hơn trong thời gian đến.

Khách sạn Azerai La Residence Huế cho biết, trước đây khách sạn ít chú trọng đến khách nội tỉnh, dịch bệnh đã khiến thị trường thay đổi. Việc khai thác dịch vụ ăn sáng, uống cà phê đã thu hút được khách thời gian qua. Riêng trong ngày 20/10 khách sạn phải từ chối khá nhiều đoàn khách vì nhu cầu lớn. Hay tại Alba Thanh Tân, từ khi mở cửa trở lại vào ngày 1/10, luôn đón được lượng khách đáng kể đến vui chơi, nghỉ dưỡng, nhất là cuối tuần.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh cho rằng, một dòng khách được đánh giá sẽ “hâm nóng” hoạt động lưu trú cuối năm là khách hội nghị, hội thảo. Hiện các khách sạn đã có những phương án về dịch vụ, quảng bá. Cùng với đó là giải pháp an toàn, triển khai đồng bộ các quy định, bởi khách hội nghị, hội thảo sẽ khá đông, gặp gỡ trong một phạm vị hẹp. Đặc biệt, nhiều khách sạn đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo quy định để đón khách với các hình thức khác nhau, kể cả giám sát y tế trong thời gian đến theo quy định của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Sở Du lịch định hướng, trước diễn biến mới, xu hướng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian tới là chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch được tập trung hoàn thiện và phát triển, phù hợp. Xây dựng nhiều loại hình sản phẩm và triển khai đáp ứng, tức thời thị trường khách trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hoặc “làm mới” để đưa vào khai thác. Kết hợp các điểm đến về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với suối thác, biển và đầm phá, trải nghiệm không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại…

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhằm thích ứng với tình hình mới. Phương án khách ở vùng xanh đến du lịch vùng xanh bằng những tour khép kín, “bong bóng du lịch” chắc chắn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian đến. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi khả năng tiềm ẩn du khách bị nhiễm bệnh. Do đó, ngành đang nghiên cứu để có những phương án phòng rủi ro; có quy trình xử lý trong những tình huống phát sinh. Đồng thời, kiến nghị tiếp tục bao phủ vắc-xin trong dân, đây được xem là yếu tố quan trọng để việc mở cửa được thuận lợi, tạo tâm lý an tâm cho các điểm đến.

Bài, ảnh: Đức Quang