Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế để kêu gọi đầu tư. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Tính từ năm 2006 đến nay đã trải qua 15 năm có lẻ, thế nhưng số vốn của các dự án được thực hiện so với số vốn đăng ký ban đầu chỉ được 11,7% (số liệu của Ban Quản lý khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cho biết). Tính ra, mỗi năm, số vốn thực hiện trung bình chưa được 1%. Ở đây có mấy dạng: đăng ký thật và làm thật; đăng ký lớn nhưng thực hiện nhỏ giọt và dạng cuối cùng là đăng ký mà không làm.

Trong điều kiện nội lực của chúng ta chưa mạnh, bất kỳ ai đem vốn đến làm ăn với chúng ta đều quý. Nhưng với điều kiện với một tinh thần làm ăn thật sự, chứ không phải làm ăn theo kiểu “ỡm ờ”. Đáng ngại nhất là dạng doanh nghiệp kiểu này.

Dạng doanh nghiệp đăng ký mà không làm mang bóng dáng của việc “xí phần” một thời. Trong quá khứ, đã có không ít doanh nghiệp cứ đăng ký dự án đã, mọi cái sẽ tính sau! Có hai kiểu tính toán của họ. Đó là tính toán “xí phần” rồi sang nhượng dự án để kiếm chênh lệch. Khi không chuyển nhượng được thì “bỏ của chạy lấy người”. Chúng ta có thể nhận biết điều này vì không có bất cứ một nhà đầu tư nào khi đầu tư mà không chuẩn bị một điều kiện nào cả - bao gồm điều kiện về vốn, nhân lực; điều kiện về phương án đầu tư; điều kiện về sản xuất kinh doanh… Nếu đã chuẩn bị kỹ rồi thì có rất ít lý do để họ dừng dự án. Cũng có một dạng khác là sức mạnh nội lực về tài chính rất hạn chế. Khi làm dự án, họ kỳ vọng vào nguồn vốn vay của ngân hàng. Nhưng ngân hàng cũng là một người đi kinh doanh, họ phải đánh giá tính khả thi của dự án chứ không dễ gì rót vốn vào nơi có nhiều rủi ro. Không vay được vốn ngân hàng, cuối cùng “giữa đường đứt gánh”.

15 năm có lẻ, có lẽ cũng đã đủ một độ lùi cần thiết để chúng ta nhìn nhận về cách thức chọn lọc nhà đầu tư.

Anh muốn đến làm ăn với chúng tôi? OK. Nhưng phải chứng minh được năng lực tài chính. Không có gì nhìn nhận điều này rõ hơn ở các tập đoàn mạnh, có thương hiệu cả trong và ngoài nước. Những tập đoàn này có nội lực về tài chính rất mạnh, họ không phải duy nhất đầu tư vào Thừa Thiên Huế mà họ đã thực hiện nhiều dự án trong cả nước. Thừa Thiên Huế, với không ít lợi thế nên họ chọn lựa đầu tư để tạo thêm một điểm trong chuỗi cơ sở kinh doanh của họ. Chọn lựa, hợp tác những doanh nghiệp như thế này là “chắc ăn” nhất.

Một số dự án ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chưa đảm bảo tiến độ

Doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư, quy mô dự án như thế nào là việc của doanh nghiệp. Chúng ta là chủ nhà vừa tỏ ra thân thiện, niềm nở, chào mời… nhưng chúng ta cũng có một quyền tối thượng, đó là quyền lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào đánh giá là phù hợp thì chúng ta chọn. Đầu tư ít nhiều chưa biết, nhưng doanh nghiệp đã đầu tư phải cam kết một lộ trình rót vốn và thời gian rõ ràng. Dự án thực hiện trọn gói hay chia ra làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn một quy mô thế nào, vốn bao nhiêu, thực hiện trong thời gian bao lâu. Tương tự như vậy cho giai đoạn 2, giai đoạn 3… Nhất thiết phải kiểm soát tốt điều này, bởi nó liên quan đến quỹ đất. Khai thác tốt, hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai nó cũng đưa lại cho chính doanh nghiệp và cho chúng ta nhiều nguồn lợi.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: ĐỨC QUANG