Khoảnh khắc tỏa sáng của nghệ sĩ múa Nguyễn Hà Tâm Thuận

Khổ luyện

Từ nhỏ, Nguyễn Hà Tâm Thuận (sinh năm 1993) rất yêu thích nghệ thuật múa. Những lần được đứng trên sân khấu biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của trường đã nhen nhóm trong lòng cô gái nhỏ ước mơ trở thành nghệ sĩ múa. Ước mơ của Thuận được chấp cánh khi năm 15 tuổi, em được mẹ cho theo học lớp diễn viên múa ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Sau 4 năm khổ luyện, Thuận được nhận vào công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và trở thành một trong những gương mặt triển vọng của nhà hát.

Trên sân khấu, cô diễn viên trẻ luôn bay bổng với đôi chân lả lướt, với từng động tác uyển chuyển, cuốn hút, gương mặt biểu cảm… Nhưng, để có những giây phút thăng hoa ấy là cả một quá trình khổ luyện “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Tâm Thuận bộc bạch: “Để biểu diễn một tác phẩm khoảng 3 phút, diễn viên múa phải tập suốt một tháng trời. Những động tác khó phải tập đi tập lại nhiều lần, đến mức cơ thể bầm tím”.

Vốn sẵn năng khiếu và đam mê, Tâm Thuận như là người được dành cho nghệ thuật múa. Những khi tập luyện, cô say sưa đến quên thời gian. Bao nhiêu nội lực đều dồn vào các động tác nên đôi khi tập xong, bước đi không vững. Thuận kể, với những động tác khó, nhất là kỹ thuật bồng bế nam nữ, phải phối hợp nhịp nhàng, chỉ cần lệch một chút là tai nạn xảy ra. Mới đầu chưa quen nhịp, không ít lần cô bị ngã đánh đầu giữa sàn múa hay trật tay, trật chân... Vất vả vậy nhưng đam mê khiến Thuận chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ. Với cô, niềm hạnh phúc được đứng trên sân khấu là động lực để vượt qua bao khó khăn của nghề.

Diễn viên múa phải tập luyện hàng ngày để có cơ thể dẻo dai

Theo nhà giáo ưu tú (NGƯT) Cao Chí Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, nghệ thuật múa kể câu chuyện bằng ngôn ngữ hình thể, qua động tác và gương mặt để chuyển tải thông điệp tác phẩm đến khán giả nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cơ thể dẻo dai, kỹ thuật múa tốt. Để đạt được điều ấy, họ phải khổ luyện mỗi ngày. Với những tác phẩm múa tập thể, đòi hỏi mỗi diễn viên phải phối hợp nhịp nhàng, đồng đều về động tác, sắc thái. Múa sô-lô đòi hỏi kỹ năng phải điêu luyện.

Khẳng định nghề múa vất vả, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên bộ môn Sân khấu và múa, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật cho hay, từ lúc bắt đầu bước chân vào học, các em đã phải làm quen với “nỗi đau” trong quá trình tập luyện. Có khi 1-2 giờ sáng vẫn còn “lăn lộn” trên sàn; cơ thể bị xé, ép, uốn đau đớn. Nhiều khi nhìn trò tập thấy thương quá, cô trò cùng ôm nhau khóc. Những bạn có năng khiếu sẵn còn đỡ, với những bạn cơ thể chưa dẻo dai, quá trình này là một cực hình. Nghề múa nếu không nỗ lực, chịu thương chịu khó và đam mê, sẽ không trụ được”.

Thiếu đất diễn

Để theo đuổi nghệ thuật múa, diễn viên phải đạt được các tố chất: hình thể đẹp, cơ thể dẻo dai, sắc thái biểu cảm phù hợp với tác phẩm, tai nghe tiết tấu nhạc chính xác… Độ tuổi học múa lý tưởng nhất là ở tuổi 12. Một diễn viên múa thường học từ 2 đến 7 năm. NGƯT. Cao Chí Hải chia sẻ: “Nghề múa khá “tốn kém” sức khỏe. Một nghệ sĩ múa muốn thành công, điều đầu tiên phải yêu nghề, có năng lực chuyên môn giỏi, tác phong, tư cách đạo đức tốt và có điều kiện công tác tốt. Yếu tố tập thể đối với diễn viên múa rất quan trọng”.

Nói yêu nghề là yếu tố then chốt để diễn viên múa trụ được với nghề, vì ngoài vất vả, người nghệ sĩ chịu nhiều tác động. Tuổi nghề ngắn, chế độ đãi ngộ thấp nên nghệ sĩ múa theo đuổi đam mê không hề dễ dàng. Khổ luyện trong nhà trường nhưng ra trường có nơi công tác để phát huy sở trường cũng rất khó khăn khi biên chế ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế hạn chế.

Hơn nữa, Huế vẫn chưa có môi trường để các diễn viên múa cọ xát, phát huy sở trường theo hướng chuyên nghiệp. Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hầu như tiết mục nào cũng có múa nhưng đa phần chỉ là múa phụ họa. Chưa có những chương trình biểu diễn dành riêng cho múa, vở múa, kịch múa vẫn chưa có đất diễn, ngoài những vở được dựng để dự thi. 

Theo NGƯT. Cao Chí Hải, ở các thành phố lớn, diễn viên múa có nhiều đất diễn với những chương trình biểu diễn dành riêng cho múa. Còn ở Huế, dù lực lượng diễn viên múa có thanh sắc, năng lực chuyên môn nhưng không có nhiều cơ hội cọ xát với nghề để tỏa sáng. Không có môi trường, đất diễn nên nhiều nghệ sĩ tài năng phải chọn lập nghiệp ở các tỉnh phía nam.

Tâm Thuận bày tỏ, nghệ sĩ múa ở Huế không có nhiều sân chơi để thỏa sức biểu diễn. Các chương trình nghệ thuật chủ yếu là ca, hát còn múa đa phần chỉ mang tính phụ họa. Những tác phẩm múa riêng biệt hầu như rất ít, thường được diễn đan xen trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Các vở múa độc lập hay chương trình dành riêng cho múa hầu như không có nên nghệ sĩ ít được cọ xát với nghề. Đây cũng là thiệt thòi với diễn viên múa.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN