Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân Hương Trà (Ảnh minh họa). Ảnh: THU THỦY

Thông tin cho rằng: Nhà nước phải “hạ mình” đàm phán không chính thức với Ấn Độ, Áo để “vay nóng” vắc-xin - một hình thức “xin khéo”.

Đầu năm 2020 đến nay, cụm từ COVID-19 được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất. Không loại trừ nước giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, tiên tiến hay lạc hậu, vi rút đã lan ra hơn 200 quốc gia. Đến nay, thế giới đã có gần 240 triệu ca bệnh, gần 5 triệu người tử vong. Mỹ là nước có số ca bệnh nhiều nhất với gần 50 triệu người, gần 730 ngàn ca tử vong.

Ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 xuất hiện ca dịch đầu tiên, đặc biệt là đợt lây nhiễm lần thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay đã bùng phát ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Nghiêm trọng nhất là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Đã có hơn 820 ngàn ca mắc bệnh, với hơn 20 ngàn người tử vong, hàng triệu người phải chịu cảnh cách ly, giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh.

Dịch COVID-19 là cơn đại dịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam và trên thế giới. Ban đầu chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị, phác đồ điều trị, y tế chưa có kinh nghiệm phòng ngừa và chữa trị. Ngay từ khi xuất hiện ca dịch đầu tiên, Đảng và Chính phủ đã chủ động đề ra các biện pháp nhằm thích ứng, phòng ngừa và điều trị. Phương châm: “Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau” với các biện pháp cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị miễn phí được thực hiện khẩn trương.

Xác định phòng ngừa hữu hiệu nhất là vắc-xin, vấn đề này đã được Chính phủ tính đến từ đầu nhưng chưa thể theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam là một trong số ít nước nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng thành công 2 loại vắc-xin. Bộ Y tế đang đàm phán để tiếp nhận dây chuyền công nghệ cho sản xuất trong nước, chủ động nguồn cung ứng trong nước. Chính phủ cũng tích cực đàm phán với các nước và các hãng sản xuất vắc-xin để mua được vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất.

Nhiều nước trên thế giới đã viện trợ hàng triệu liều vắc-xin và đến thời điểm hiện tại đã có trên 50 triệu liều được tiêm cho người dân. Phấn đấu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 tiêm chủng cho 75% dân số nhằm miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ đã thành lập và kêu gọi các nguồn ủng hộ cho Quỹ vắc-xin, đó cũng là chỉ đạo hết sức nhạy bén, xuất phát từ truyền thống đùm bọc, tương thân tương ái của người Việt Nam.

Những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã đem lại hiệu quả thực sự. Khi vắc-xin đang rất thiếu thì bằng mọi cách để có được lượng vắc-xin cần thiết tiêm chủng cho người dân là việc làm đầy trách nhiệm. Mặt khác, khi nhiều nước bị dịch bệnh lan tràn, Chính phủ Việt Nam đã chủ động viện trợ khẩu trang, lương thực kịp thời, đúng lúc. Đó là thông lệ bình thường trong ngoại giao quốc tế, chúng ta không chỉ có “cầu xin” hay “xin khéo” mà là quan hệ “có đi có lại”.

Nhà nước Việt Nam cũng đã chi ra hàng chục ngàn tỷ đồng để mua được vắc-xin  nhiều nhất, nhanh nhất trong điều kiện cho phép, không phải chỉ trông chờ, ỷ lại nguồn viện trợ. Trong những thời điểm bùng phát dịch, các đồng chí lãnh đạo cao nhất đến trực tiếp tại các điểm nóng nhằm kiểm tra, chỉ đạo kịp thời chính là thể hiện trách nhiệm cao nhất với Nhân dân. Những hành động quyết đoán của Đảng, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo là hết sức cần thiết, đáng trân trọng. 

NGUYỄN AN HÒA