Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, năm 2021 diễn ra trong bối cảnh cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động rất lớn đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và toàn dân nên đã gạch hái được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, với sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ, đột phá nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiềm chế, ngăn chặn.
Nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã hoàn thiện hơn về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế-xã hội.
Phòng, chống tham nhũng để phòng ngừa, không để tham nhũng; phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính, việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ được tăng cường.
Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được phát huy.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán không ngừng được đổi mới, hiệu quả; phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng; trong đó có cả cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật, với tinh thần, “không ngừng, không nghỉ,” không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai;” “làm rõ đến đâu, xử lý đến đó” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực còn chậm; quản lý nhà nước ở một số ngành, địa phương còn sơ hở.
Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; xảy ra một số vụ tham nhũng nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội…
Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ nhân dân. Phòng chống tham nhũng cần gắn liền với phòng, chống tiêu cực, lấy “phòng ngừa là chính;” giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm công minh, đúng pháp luật.
Cùng với đó cần làm tốt công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò của báo chí, nhân dân trong phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Đề cập đến tổ chức phiên tòa trực tuyến, Đại tá Nguyễn Tiến Nam cho rằng đây là việc làm cần thiết, phù hợp thực tiễn, đảm bảo tư pháp không bị chậm trễ, đồng thời là việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp.
Đây là vấn đề mới, chưa được Luật hóa, do đó phải có lộ trình thực hiện phù hợp; trước mắt áp dụng để xét xử trong các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Để tổ chức hiệu quả phiên tòa trực tuyến đòi hỏi các ngành, đơn vị chức năng phải đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ có liên quan…
Liên quan đến các mặt công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2021, bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đánh giá, tác động và sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ các hoạt động tố tụng, đặc biệt là công tác thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức các phiên tòa, phiên hòa giải.
Có thời điểm, tại một số địa phương, hoạt động tố tụng bị "đóng băng" do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Do đương sự cư trú tại các vùng dịch nên không thể triệu tập để lấy lời khai, hòa giải hoặc không dẫn giải được bị cáo đến phiên tòa.
Trong khi số lượng các loại vụ, việc phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng; xuất hiện tội phạm mới rất tinh vi và nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia; tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tăng số lượng với tính chất gay gắt và phức tạp.
Theo bà Nguyễn Minh Tâm, bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của Quốc hội, hệ thống Tòa án và kiểm sát phải triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, lãnh đạo 2 ngành đã vừa chủ động ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp mới; vừa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan. Trong đó, Tòa án nhân dân tăng cường tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử; làm tốt công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Ngoài ra, ngành cũng đã đổi mới công tác đào tạo, tập huấn qua hệ thống truyền hình trực tuyến cho toàn hệ thống; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; tập trung nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc…
Tòa án các cấp cũng đã hòa giải thành công hàng chục nghìn vụ việc tranh chấp dân sự các loại. Năm 2021 là năm đầu tiên hệ thống Tòa án triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiều địa phương bước đầu có những tín hiệu khả quan, rút ngắn được thời gian, công sức của người dân và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần của Chiến lược Cải cách tư pháp được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.
Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Trong năm qua, mặc dù triển khai nhiệm vụ công tác trong điều kiện hết sức khó khăn, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, nhưng các Tòa án và Viện kiểm sát đã có nhiều cố gắng để hoàn thành khối lượng công việc thuộc thẩm quyền. Tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự, dân sự cơ bản đều đạt chỉ tiêu đề ra. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn tiếp tục được đưa ra xét xử kịp thời, với mức hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng phạm tội; chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, tư pháp và các hình phạt bổ sung đảm bảo việc thu hồi tài sản của Nhà nước. Qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”
Theo Vietnam+