Trang trại điện mặt trời nổi ở hồ chứa Tengeh, Singapore. Ảnh: AFP

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Singapore đang tìm cách khử carbon trong ngành điện và đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng để đảm bảo an toàn.

EMA nói rằng kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 4GW điện carbon thấp dự kiến sẽ gồm 2 giai đoạn, đồng thời tuyên bố việc nhập khẩu điện từ các nguồn phát nhiệt điện than sẽ không được chấp nhận.

Theo đó, kế hoạch giai đoạn 1 sẽ được đưa ra vào tháng tới, sẽ nhập khẩu đến 1,2GW điện và bắt đầu vào năm 2027. Yêu cầu cho giai đoạn 2 dự kiến ​​sẽ được đưa ra vào quý II/2022, và sẽ nhập khẩu số lượng điện còn lại đến năm 2035.

EMA cho biết kế hoạch đề xuất về việc nhập khẩu điện sẽ cho phép Singapore nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển lưới điện khu vực và hỗ trợ khử carbon trong khu vực, đồng thời hỗ trợ hành động khí hậu và đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

Bên cạnh việc nhập khẩu điện carbon thấp, nguồn cung điện còn lại sẽ tiếp tục đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên hiện nay cho đến các nguồn năng lượng mặt trời và biến rác thải thành điện năng.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong cho biết việc nhập khẩu năng lượng carbon thấp sẽ là bước chuyển quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Singapore trong thời gian tới và trong trung hạn.

Trong khi quốc gia này đang thúc đẩy các nỗ lực để giảm lượng khí thải carbon trong nước, chẳng hạn như tăng cường hiệu quả sự dụng năng lượng và tối đa hóa tất cả không gian có sẵn ở Singapore để triển khai năng lượng mặt trời, Bộ trưởng Gan Kim Yong cho rằng chỉ những nỗ lực này là “không đủ”.

Theo ông, việc giảm thiểu lượng khí thải carbon một cách có ý nghĩa chỉ có thể xảy ra thông qua việc khai thác năng lượng carbon thấp từ bên ngoài đất nước, và bằng cách phát triển việc sử dụng các chất thay thế carbon thấp, chẳng hạn như hydro, trong dài hạn.

Ông cũng nói thêm rằng, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm cả nhập khẩu điện, có thể không làm giá điện rẻ hơn, vì dù chi phí phát điện có thể thấp hơn, nhưng chi phí truyền tải và dự phòng, cũng như nâng cấp lưới điện cần thiết, sẽ cộng thêm vào chi phí chung. Theo ông, “đây là sự đánh đổi tất yếu nhưng cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng”.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)