Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa xét xử về tội danh “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”. Ảnh: TTXVN

Mới đây, thông tin về Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch TP. Hà Nội bị kết luận là chủ mưu vụ làm lộ bí mật Nhà nước và tiếp tục bị truy tố bổ sung về phạm tội ở 2 vụ án khác. Cùng thời gian, cơ quan tố tụng đã khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Nam, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương vừa trúng cử đại biểu Quốc hội (khóa 15). Đó là những cán bộ lãnh đạo cấp cao, được quy hoạch vào các vị trí chủ chốt. Vậy nhưng họ đã gây ra những “sự kiện” đáng buồn về người cán bộ lãnh đạo, những người đòi hỏi phải có uy tín, danh dự cao nhất ...

Thật đáng buồn khi những cán bộ cấp cao có nhiều thành tích, nhiều cống hiến cho đất nước lại rơi vào vòng lao lý.

Những quyết định sai lầm, lòng tham vật chất, ràng buộc bởi lợi ích nhóm, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đã làm cho không ít cán bộ tự diễn biến, tự chuyển hóa, dẫn đến phạm tội. Hình ảnh những vị từng là lãnh đạo giữ chức vụ rất cao, đạo mạo trước mọi người nay lại đứng trước vành móng ngựa cúi đầu nhận tội thật đáng tiếc cho danh dự đã bị họ làm hoen ố. 

Danh dự con người không thể đong đếm, mua bán hay bỗng dưng có được mà đòi hỏi phải dày công rèn luyện, giữ gìn. Danh dự, uy tín của mỗi người không ai có thể làm thay mà phải do chính mình tạo ra, được tích lũy từ trong cuộc sống. Danh dự chính là phẩm chất đạo đức, nhân cách, lòng tự trọng và cung cách xử sự chuẩn mực trong sinh hoạt và công việc. Nó không phải là quá khó, không thể làm được và không phải đòi hỏi quá cao xa.

Một số cho rằng, người có chức quyền, học hàm, học vị cao hoặc có nhiều tiền, cuộc sống khá giả, được mọi người tôn sùng là người có danh dự. Thực ra đó mới chỉ là một phần, thực chất phải là từ năng lực, đạo đức, uy tín đúng nghĩa mới là chuẩn mực cơ bản.

Người có lòng tự trọng, biết giữ gìn nhân cách, sống trong sáng mới có được sự ngưỡng mộ lâu bền. Người lãnh đạo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, giữ chức vụ cao thì uy tín, ngưỡng mộ của mọi người đối với họ càng lớn.

Không ai muốn đánh mất danh dự của mình nhưng thực tế nhiều người không biết kiềm chế lòng tham, sống ích kỷ đã làm cho họ dần bị mất tất cả.

Những năm gần đây, mỗi khi Ủy Ban Kiểm tra Trung ương hoặc cơ quan điều tra thông báo về kỷ luật, khởi tố đối với những cán bộ cấp cao mà người đời không khỏi xót thay. Những người đó đã không kiềm chế được lòng tham cá nhân, không lường hết hậu quả, chỉ tỉnh ngộ khi đã bị kỷ luật hay dính vào lao lý. Đến lúc đó thì đã quá muộn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Mỗi người tự rèn luyện, kiềm chế lòng tham, giữ nhân cách trong mọi hoàn cảnh, tự rèn luyện về năng lực, giữ gìn phẩm giá, sống trong sáng, lành mạnh mới có được danh dự thực sự. Ông cha ta xưa từng đúc kết: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù trong bất cứ điều kiện nào cũng cần biết kiềm chế bản thân để khỏi ân hận khi đã quá muộn.

Những quan chức biến chất, bị xử lý vừa qua là bài học đắt giá đối với những kẻ đang rắp tâm lao vào con đường tội lỗi. Mất danh dự là mất tất cả.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH