Theo ông Nguyễn Viết Thành, Phó Chủ tịch UBND phường An Tây và theo Công văn số 102 ngày 4/11/2010 của UBND phường An Tây gửi UBND TP Huế, năm 2007, UBND tỉnh có Thông báo số 38 ngày 01/2/2007 và UBND TP Huế có Chỉ thị số 14 ngày 22/3/2007 về chủ trương đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, nên năm 2009, tỉnh hợp đồng với Công ty Ảnh địa hình thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về đo đạc, khảo sát và điều chỉnh biến động bản đồ địa chính của phường như sau: Thửa đất số 203, tờ bản đồ số 32 diện tích 221,2m2, loại đất nghĩa địa, UBND phường quản lý, thành thửa 203 diện tích 320,4m2 loại đất LNK (đất trồng cây lâu năm khác) ông Nguyễn Kê đăng ký. Thửa đất số 202, tờ bản đồ 32 diện tích 448,1m2, loại đất thổ cư, ông Võ Trọng Đăng (anh rể ông Trần Dũng) đăng ký, thành 2 thửa: thửa 357 diện tích 177,3m2 loại đất ODT (đất ở), ông Võ Trọng Đăng đăng ký và thửa 358, diện tích 243,1m2, loại đất ODT, bà Nguyễn Thị Xuân đăng ký.


Thửa đất cụ Nguyễn Đủ để lại, gia đình ông Dũng đang sử dụng, diện tích đất sau nhà trồng cây lưu niên (có 3 ngôi mộ) bị đội thống kê đất trừ vào đất nghĩa địa

Đối với diện tích 240m2 hiện có nhà của ông Trần Dũng đang sử dụng, UBND phường cho biết, nguồn gốc thửa đất này do ông Nguyễn Đủ (cha của ông Nguyễn Kê) khai hoang, sau đó cho ông Nguyễn Kê sử dụng trồng trọt. Năm 1975, ông Nguyễn Kê (em bà Nguyễn Thị Xuân) giao cho bà Nguyễn Thị Xuân sử dụng. Đến năm 2003, bà Xuân giao cho con (ông Trần Dũng) sử dụng, làm nhà ở.
 
Để giải quyết đơn kiến nghị của ông Trần Dũng, UBND phường cử cán bộ về kết hợp tổ dân phố xác minh nguồn gốc thửa đất ông Trần Dũng đang sử dụng. Theo biên bản xác minh ngày 29/10/2010 của UBND phường, nguồn gốc thửa đất do cụ Nguyễn Đủ (cha của ông Nguyễn Kê, bà Nguyễn Thị Xuân) canh tác, sử dụng từ lâu đời, không có mộ. Sau đó cụ Đủ giao cho ông Nguyễn Kê sử dụng. Trước năm 1975, có thời gian đất bỏ hoang hoá nên một số gia đình (không rõ chủ) đã chôn một số mộ trên thửa đất này. Năm 1975, ông Nguyễn Kê lại giao thửa đất cho em ruột là bà Nguyễn Thị Xuân tiếp tục sử dụng, trồng trọt. Khoảng năm 1995-1996, bà Xuân đã phân chia đất cho con gái là Trần Thị Phượng (có chồng là Võ Trọng Đăng) và con trai là ông Trần Dũng làm nhà ở. Sau cơn lũ 1999, ông Trần Dũng di dời một số mộ chôn cất trên phần đất trước đây ông ngoại và cậu bỏ hoang hoá, để trồng cây lưu niên. Chính phần đất bỏ hoang hóa này có mộ vô chủ, nên khi đo vẽ bản đồ năm 1998, thì được tách ra thành đất nghĩa địa (thửa 203, tờ bản đồ số 32) như đã nêu trên.
 
Như vậy, xét về nguồn gốc đất, toàn bộ thửa đất do những người trong gia đình ông Dũng đăng ký sử dụng đã nêu trên, trong đó có 609m2 mà ông Dũng đề cập (nhưng trên thực tế đo đạc chỉ có 563,5m2) là đất từ đời cụ Nguyễn Đủ khai canh và sử dụng, cho đến nay gia đình ông Dũng sử dụng, là cả một thời gian dài luôn có người kế tiếp và liên tục sử dụng đất. Tuy có thay đổi về người đăng ký, sử dụng đất, nhưng đều là người trong nội bộ gia đình, có ranh giới rõ ràng và không có tranh chấp. Vì vậy, trong việc đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính để xác định lại hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình, UBND phường An Tây nên điều chỉnh phần đất mà gia đình ông Trần Dũng đã và đang sử dụng trên thực tế là 563,5m2 cho gia đình ông.
 
Bài, ảnh: Quỳnh Anh