Đóng gói thuốc tại Công ty Sinh dược phẩm Hera ở Khu công nghiệp Tứ Hạ

Sau điều chỉnh địa giới hành chính (chuyển giao 6 xã, phường vào TP. Huế), với những thay đổi về diện tích, dân số và những tiềm năng, lợi thế khác, Hương Trà đã điều chỉnh cơ cấu trong phát triển từ “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” sang “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp” để phù hợp với tình hình mới; lấy công nghiệp, dịch vụ làm động lực phát triển.

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Nguyễn Duy Hùng bày tỏ: Thời gian qua, địa phương đã tạo nguồn lực và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị nhằm mục tiêu thay đổi diện mạo của thị xã.

Dự kiến trong 2 năm 2021- 2022, sẽ khởi động nhiều dự án lớn, làm điểm nhấn, như: Quảng trường và nhà văn hóa trung tâm thị xã (kinh phí 45 tỷ đồng), chỉnh trang hai bên Quốc lộ 1A từ cầu An Lỗ đến trường Nguyễn Khánh Toàn (giai đoạn 1 với 40 tỷ đồng), đầu tư hạ tầng chợ Bình Điền, Tứ Hạ và các chợ lớn trên địa bàn, đầu tư đường ven sông Bồ, nâng cấp Tỉnh lộ 16, xây dựng hệ thống trường học và các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A đến các xã, phường.

Năm 2021, thị xã đã trích ngân sách 20 tỷ đồng để mua xi măng hỗ trợ người dân bê tông hóa các đường kiệt, đường xóm; đầu tư hệ thống cây xanh, cảnh quan môi trường đô thị và khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường những điểm nóng trong những năm trước đây; xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống, sinh hoạt của bà con Nhân dân...

Theo Chủ tịch UBND thị xã, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục: Chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế chưa cao, công nghệ hiện đại trong các DN chiếm tỷ trọng thấp, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển biến chậm. Cơ sở hạ tầng tuy đã được cải thiện, nhưng thiếu đồng bộ, chưa xứng tầm là đô thị động lực của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và thiếu đội ngũ lao động kỹ thuật chuyên ngành.

“Một yếu tố quan trọng khác là nhu cầu phát triển của các DN rất lớn, nhưng thị xã chưa có quy hoạch phân khu và việc hình thành các cụm công nghiệp còn chậm nên việc lựa chọn, giới thiệu địa điểm đầu tư cho DN còn khó khăn, vướng mắc. Ô nhiễm môi trường một số khu dân cư và nhiều tuyến đường trên địa bàn chưa được giải quyết, gây khó khăn cho DN và người dân”, ông Hùng nói.

Đồng hành, sát cánh cùng DN, lãnh đạo thị xã cam kết sẽ sớm hoàn thành thủ tục mở rộng và hình thành mới các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, bố trí mặt bằng cho các DN mở rộng sản xuất. Hỗ trợ các DN đã được UBND tỉnh cấp phép để triển khai nhanh các dự án, làm đầu mối giúp các DN có nhu cầu đầu tư thương lượng với các DN ngừng sản xuất mua lại tài sản để phát huy mặt bằng tại cụm công nghiệp Tứ Hạ. Xây dựng phương án sớm sử dụng khu đất nhà máy Long Thọ II đưa vào khai thác…

Địa phương cũng khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ và cải thiện vệ sinh môi trường. Tăng cường phát triển ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào SXKD. Trong lĩnh vực phát triển đô thị và hạ tầng nông thôn, Hương Trà sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH làm thay đổi diện mạo thị xã, tạo môi trường SXKD thuận lợi cho DN, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bài, ảnh: Vi Quân