Nhiều năm qua, các khu lăng mộ “khủng” nằm ngoài quy hoạch, mộ nằm ở khu vực nghĩa địa cấm chôn cất đua nhau mọc lên, phá vỡ quy hoạch đất nghĩa trang của các địa phương.

Khu lăng mộ "An Tịnh Đường" mà người dân cho rằng kinh phí xây dựng là 4,2 tỷ đồng vừa mới xây dựng, chưa chôn cất người thân tại xã Vinh An (Phú Vang)

Thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền

Cách đây hơn một năm, người dân trên địa bàn thị xã Hương Trà ngạc nhiên trước việc hộ gia đình ông Nguyễn Đạt (trú tại 79 Hoàng Diệu, TP. Huế) xây dựng khu lăng mộ gia đình “khủng” trên đập Hồ Dài, phường Hương Chữ (Hương Trà). Điều đáng nói, khu lăng mộ của gia đình ông Đạt xây dựng nằm cách Khu di tích lịch sử Dốc Ông Ầm chỉ khoảng 200m, nhưng không bị chính quyền địa phương can thiệp, xử lý.

Ông Lê Đình Lanh, Chủ tịch UBND phường Hương Chữ cho biết, năm 2019, ông Đạt có đơn xin UBND phường cho cải tạo lại nghĩa trang gia đình trên diện tích 300m2 ở khu vực đập Hồ Dài và được ông Hồ Văn Thêm, khi đó là Chủ tịch UBND xã “ký cho phép”. Tuy nhiên, khi gia đình ông Đạt xây dựng lăng mộ, chính quyền địa phương không kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc xin cấp phép 300m2, gia đình ông Đạt đã xây dựng lên đến 900m2. Theo ông Lanh, sở dĩ ông Đạt xây dựng được khu lăng mộ “khủng”, bởi ông Đạt đã nhận chuyển nhượng (trái phép) đất lâm nghiệp của ông Phan Văn Hùng (đã hết thời hạn thuê đất) để tiến hành xây dựng khu lăng mộ.

Ông Lanh thừa nhận: Địa phương chỉ cho gia đình ông Đạt cải tạo lại khu lăng mộ gia đình, nhưng ông Đạt đã xây dựng mới là trái quy định. Tuy nhiên, do khu lăng mộ nằm xa khu dân cư nên thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, dẫn đến việc vi phạm trong xây dựng lăng mộ. UBND phường đã đình chỉ thi công công trình và nhiều lần mời ông Đạt làm việc, nhưng ông Đạt luôn né tránh, dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm. Hơn nữa đây là công trình mang yếu tố tâm linh nên rất khó trong xử lý.

Không riêng ở Hương Trà, thực tế tại một số xã vùng biển các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, chúng tôi nhận thấy nhiều khu lăng mộ “khủng” từ vài chục m2 đến hàng trăm m2 được xây dựng. Tại làng An Bằng (Vinh An, Phú Vang), nơi được mệnh danh là “thành phố lăng mộ”, hàng trăm ngôi mộ lớn, nhỏ mọc lên xen lẫn trong khu dân cư.

Ông Phan Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết, khu lăng mộ làng An Bằng tồn tại qua nhiều thế hệ, được xây dựng từ trước năm 1975. Đây là đất do người dân khai phá, canh tác và làm nơi chôn cất người chết. Hiện nay, xã đã quy hoạch riêng 1 khu đất 5ha để chôn cất người chết, xây mộ theo đúng quy hoạch do tỉnh và huyện quy định. Những lăng mộ mới là do họ sửa sang lại từ những khu lăng mộ cũ, chứ không phải xây mới…

Khu lăng mộ "khủng" của gia đình ông Nguyễn Đạt xây dựng trên đập Hồ Dài, phường Hương Chữ (Hương Trà) không theo quy hoạch, quy định

Trái với những gì ông Chủ tịch UBND xã Vinh An nói, rất nhiều khu lăng mộ được xây dựng từ năm 1990 trở về sau. Chứng kiến khu lăng mộ “An Tịnh Đường” với diện tích khoảng hơn 600m2 mà người dân cho rằng kinh phí xây dựng lên đến 4,2 tỷ đồng vừa hoàn thành và chưa chôn cất người chết cũng đủ thấy sự kiểm tra, giám sát của chính quyền trong xây dựng lăng mộ còn quá buông lỏng.

Hiện nay, ở những vùng nông thôn, thậm chí ở cả những phường thuộc thành phố Huế, nhiều khu nghĩa địa đã đóng cửa, cấm người dân chôn cất, xây dựng lăng mộ, nhưng tình trạng chôn cất, xây dựng lăng mộ vẫn diễn ra. Dù chưa “khuất núi” nhưng nhiều người đã “giành” cho mình một khu đất hoặc trồng cây trên đất nhằm giữ đất, bán cho hộ khác làm chỗ mai táng, xây lăng mộ; thậm chí có người còn tự “quy hoạch” mộ phần cho cả gia tộc bằng cách xây sẵn phần lăng mộ, đắp mộ đất… trên đất họ cho là đẹp.

Điển hình như tại các phường An Tây, An Đông, Thủy Biều, Thủy Xuân... (TP. Huế) và ở nhiều vùng nông thôn khác. Điều đó không chỉ vi phạm quy định của Nhà nước mà còn gây “mất trật tự” tại các khu chôn cất, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Trong khi đó, chính quyền địa phương “ngó lơ” do liên quan đến yếu tố tâm linh, khiến việc xây dựng lăng to, mộ đẹp vẫn còn phổ biến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Một hộ dân xây dựng tường rào cho ngôi mộ gia đình, lấn chiếm đất nghĩa địa tại xã Phong Sơn (Phong Điền) bị đình chỉ thi công

Lãng phí đất đai, tốn kinh phí di dời

Chưa có số liệu thống kê cụ thể diện tích xây dựng lăng mộ trên địa bàn tỉnh, nhưng với hàng loạt khu lăng mộ tự phát (kể cả cũ và mới) trong những năm qua cho thấy, tài nguyên đất đai dành cho “người chết” quá lớn. Ông Huỳnh Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 2.000ha đất nghĩa trang, nghĩa địa, chiếm tỷ lệ 9,34% đất tự nhiên toàn huyện. Nhiều nơi đã xây dựng lăng mộ quá lớn, đặc biệt là các xã vùng biển như: Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Phú Thuận, Phú Hải… Điều này, làm mất cảnh quan môi trường, gây lãng phí tài nguyên đất đai; đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà thông tin, trên địa bàn thị xã có 3.600ha đất lúa thì có đến gần 1.000ha nghĩa trang, nghĩa địa, rất lãng phí quỹ đất. Tình trạng mai táng, xây dựng lăng mộ ở một số địa phương vẫn còn tùy tiện, không theo quy định; thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng lăng mộ. Địa phương gặp khó trong việc bố trí nguồn kinh phí di dời lăng mộ để chỉnh trang đô thị, thi công các công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề mai táng, xây dựng lăng mộ thì công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong xây dựng lăng mộ phải được đẩy mạnh.

Những năm gần đây, tỉnh thực hiện các chương trình, dự án (DA) trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội thì kinh phí giải tỏa di dời lăng mộ là rất lớn. Theo báo cáo của UBND TP. Huế, năm 2021, thành phố đề ra phương án đi dời khoảng 59.000 ngôi mộ thuộc các DA như: chỉnh trang di tích Hổ Quyền – Voi Ré tại phường Thủy Biều (4.000 ngôi mộ); DA hạ tầng kỹ thuật khu định cư Hương Sơ, giai đoạn 9, 10 (2.000 ngôi mộ); DA chỉnh trang khu vực Ngự Bình – Núi Bân (50.000 ngôi mộ); các DA nhỏ lẻ thuộc chỉnh trang và tạo quỹ đất xen ghép trong thành phố (3.000 ngôi mộ). Thành phố Huế cũng đã có kế hoạch di dời khoảng 213.000 ngôi mộ trong giai đoạn 2022-2024… với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.

Tại thị xã Hương Thủy, trong năm 2021 triển khai DA giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 3 và 4 với kinh phí là 200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chủ yếu là bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, còn lại xây dựng hạ tầng cho khu tái định cư 29 hộ dân (12,5 tỷ đồng) và quy hoạch, xây dựng hạ tầng nghĩa trang di dời 3.000 ngôi mộ (10,5 tỷ đồng).

Tại Phong Điền, DA đường Phong Điền - Điền Lộc, đoạn qua địa bàn xã Điền Lộc thu hồi khoảng hơn 16ha đất, ảnh hưởng đến khoảng 750 ngôi mộ với kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay, UBND xã Điền Lộc đang phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, lập kế hoạch dự toán để đầu tư hạ tầng quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa để di dời 750 ngôi lăng mộ...

Với việc xây dựng lăng mộ tràn lan, xây dựng trên diện tích lớn, ngoài tốn kém kinh phí của hộ gia đình thì việc di dời lăng mộ để chỉnh trang đô thị, thi công các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội “tiêu tốn” ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ mỗi năm.

Bài, ảnh: Hải Huế

 

Kỳ 2: Hướng đến mai táng theo phương thức hỏa táng