Tiêm phòng COVID-19 cho người lao động

Không chần chừ

Từ tháng 9/2021, khi được đại diện tổ dân phố đến từng nhà rà soát, thông tin về việc đăng ký để được tiêm phòng vắc-xin COVID-19, gia đình ông Nguyễn Bình Lưu (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) đã đăng ký cả 4 thành viên trong gia đình trên 18 tuổi tiêm vắc-xin. Mọi người đều mong chờ nhanh có vắc-xin để được tiêm chủng. Ai cũng hiểu rằng, cùng với việc tuân thủ 5K thì đây là biện pháp chủ động phòng tránh COVID-19 hiệu quả nhất, giúp giảm các biến chứng và nguy cơ tử vong nếu không may bị nhiễm bệnh. Do vậy, ngoài hai vợ chồng ông Lưu được tiêm vắc-xin AstraZeneca vì tuổi đã trên 65, thì 2 vợ chồng người con gái cũng đã sớm được tiêm vắc-xin Verocell với diện ưu tiên “người trên 18 tuổi dọc Quốc lộ 1”.

“Chúng tôi không có suy nghĩ chần chừ việc chọn vắc-xin loại này loại khác, vì chúng tôi tin loại vắc-xin nào được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép đều có hiệu quả phòng ngừa dịch COVID-19. Dù tỷ lệ của loại vắc-xin mình được tiêm cao bao nhiêu thì vẫn còn hơn là không được tiêm”, chị Nguyễn Bình Phương, con gái ông Lưu nói ngắn gọn.

Có suy nghĩ như chị Phương, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) cũng sẵn sàng nghỉ một buổi hàng quán để đi tiêm vắc-xin. Thuộc nhóm “người trên 18 tuổi dọc Quốc lộ 1”, chị Nhung vui vẻ trò chuyện: “Chúng tôi không biết nhiều về các loại vắc-xin, nhưng chúng tôi tin chính quyền địa phương và cần vắc-xin để bảo vệ bản thân mình. Ở nhà còn có 3 con nhỏ, chúng tôi cố gắng hạn chế rủi ro với bọn trẻ càng nhiều càng tốt”.

Vắc-xin về đến đâu tiêm đến đó

Thừa Thiên Huế có hơn 900.730 người trên 18 tuổi nằm trong độ tuổi tiêm chủng và cần khoảng 1.801.470 mũi tiêm. Mục tiêu của tỉnh là từ nay đến hết năm 2021, đạt tỷ lệ phủ vắc-xin phòng COVID-19 cho 92% người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do lượng vắc-xin có hạn nên đến ngày 27/10, mới có khoảng 57% người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vắc-xin. Đến nay, qua nhiều đợt được Bộ Y tế phân bổ, Thừa Thiên Huế mới chỉ nhận được 712.874 liều vắc-xin, bao gồm các loại: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell. Nếu đến hết năm 2021, Thừa Thiên Huế được nhận đủ tổng 1.481.228 liều vắc-xin như Bộ Y tế dự kiến phân bổ, thì có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng cho dân số trong độ tuổi tiêm chủng theo yêu cầu đề ra. Với số lượng vắc-xin được phân bổ hiện còn, địa phương dự kiến tiêm mũi 1 đạt 77% vào cuối tháng 10.

Trong công văn ban hành ngày 21/10/2021 (số 9958/UBND-VH), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế hoàn thiện hệ thống dây chuyền lạnh và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến để đảm bảo việc tiếp nhận, bảo quản các loại vắc-xin phòng COVID-19 với số lượng lớn được cung ứng trong Quý IV/2021. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vắc-xin ngay sau khi được phân bổ, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo Nghị định 21; tăng độ bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong thời gian tới, sử dụng tối đa số vắc-xin được cấp, không để lãng phí vắc-xin và đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.

Trước đó, với yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19, UBND tỉnh đã đề nghị ngành y tế phấn đấu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin với chỉ tiêu 100.000 mũi/ngày. Thực hiện yêu cầu này, Sở Y tế đã huy động tối đa các lực lượng hỗ trợ cập nhật dữ liệu tiêm chủng đạt tiến độ như yêu cầu và bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện tại các điểm tiêm, đảm bảo tiêm chủng nhanh nhất… PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Đội ngũ cán bộ y tế đã được chuẩn bị đảm bảo và luôn ở tâm thế sẵn sàng tổ chức tiêm với số lượng vắc-xin được cấp đủ”.

Trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế lấy tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 làm 1 trong 3 tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch bệnh của một địa phương. Do đó, cùng với nỗ lực của ngành y tế, người dân cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, chủ động đăng ký tiêm vắc-xin và sẵn sàng đến điểm tiêm khi được thông báo đến lượt.

Theo các chuyên gia y tế, tất cả các loại vắc-xin đã được đưa vào sử dụng đều phải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được các cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép chặt chẽ, đúng quy trình. Do đó, người dân không nên chờ đợi, lựa chọn vắc-xin. Để chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh, TS. Kidong Park Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh thông điệp từ WHO rất rõ ràng. Đó là người dân hãy tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào có sẵn khi đến lượt. Vắc-xin tiếp tục là công cụ bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong khi đối mặt với biến thể Delta.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN