Là một trong ba bệnh viện đa khoa lớn và tiên tiến nhất Việt Nam, cùng với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế đặt mục tiêu “Bệnh viện có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao”.
Hội chẩn điều trị cho những ca bệnh COVID-19 nặng
Nhân lên vạn niềm vui
Từ Hà Nội, ông Dương Văn Ích vào “tạm trú” tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) để cùng con rể chăm sóc cháu ngoại Nguyễn T. L. đang được xạ trị tại đây. L. mới 5 tuổi, nhưng bị u ác ở não từ 2 năm trước. Cháu trải qua 2 cuộc phẫu thuật ở Hà Nội. Do các bệnh viện lớn ở Hà Nội không thực hiện xạ trị có gây mê cho trẻ dưới 7 tuổi, nên T. L. được giới thiệu vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục xạ trị. Nhìn cháu ngoại đã chịu cười cùng các bạn trong phòng bệnh, ông Ích vui lây: “Trước khi đưa con vào Huế, từ lời giới thiệu của bệnh viện ở Hà Nội và qua bạn bè, chúng tôi đã tham khảo rất kỹ năng lực xạ trị của Bệnh viện Trung ương Huế. Vào đây thì đúng như kỳ vọng. Cháu được chữa trị tốt, các bác sĩ cho đến các cô điều dưỡng, hộ lý ai cũng dễ thương, chăm sóc tốt cho cháu nên gia đình rất yên tâm”.
Ngoài xạ trị nhi, đơn vị Điều trị ung thư nhi và ghép tủy (Trung tâm Nhi) với sự tài trợ của Nhật Bản cũng đã đi vào hoạt động. Đây là đơn vị thứ 3 trong cả nước thực hiện được kỹ thuật điều trị hóa trị liều cao – ghép tủy, bên cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Hồ Chí Minh. Kỹ thuật này được chỉ định cho những bệnh lý ung thư trẻ em, nhất là bệnh lý về u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao.
Ôm chặt con gái Hồ Thị Tr. (3 tuổi, Quảng Trị) trong ngày ra viện, người cha Hồ Văn H. hạnh phúc nghẹn ngào: “Gia đình tin tưởng, cậy nhờ hoàn toàn vào bệnh viện và các bác sĩ. Tôi không biết nói như thế nào để diễn tả hết lòng biết ơn…”.
Êkip ghép tủy cho bệnh nhi
Tháng 9/2020, Hồ Thị Tr. vào viện trong tình trạng sốt cao, mắt phải lồi to, sưng đau hàm má phải, ăn uống kém. Với bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn, Tr. chỉ có một cơ hội sống duy nhất nếu được ghép tế bào gốc. Và với sự quyết tâm cao của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, Tr. là bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được tiến hành ghép tế bào gốc tự thân điều trị bệnh lý u nguyên bào võng mạc thành công. Ngày ra viện, cơ hội tiếp tục sống khỏe mạnh của Tr. được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế giành lại từ tử thần lên đến 80%. Bé xuất viện trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình, của các bác sĩ và nhân lên vạn niềm hy vọng hồi sinh cho nhiều người bệnh thiếu may mắn khác. Đây cũng là niềm tự hào của Bệnh viện Trung ương Huế, nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân điều trị bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Trung ương Huế đạt được nhiều thành tựu trong điều trị cho bệnh nhân ung thư. Trong đó, nổi bật nhất là điều trị thành công và đem lại cơ hội sống cho bệnh nhi ung thư. Đây cũng là một lĩnh vực mà Bệnh viện Trung ương Huế đang đi đầu trong cả nước. Số lượng bệnh nhi chọn Huế để thực hiện các kỹ thuật xạ trị cao cấp và xạ trị có gây mê tăng dần, từ 10-20 bệnh/năm lên đến gần 100 bệnh/năm.
Thăm bệnh nhi điều trị ung thư
GS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: “Để chuẩn bị cho việc thực hiện các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư nhi, chúng tôi đã chuẩn bị rất đầy đủ và mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chính quy bài bản trong nước và quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Sự phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Trung tâm Nhi, Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Huyết học truyền máu tạo nên một bước tiến rất lớn của bệnh viện trong lĩnh vực điều trị ung thư nhi. Sự phối hợp đa chuyên khoa, đồng thời mở ra một chương mới trong việc đào tạo và huấn luyện cho đội ngũ phẫu thuật viên và các bác sĩ chuyên khoa có trình độ chuyên môn tốt, bản lĩnh, nhiệt huyết và làm chủ được các kỹ thuật cao trong lĩnh vực này”.
Ghi danh trên bản đồ ghép tim thế giới
Năm 1999, lịch sử y học ở Huế ghi nhận ca mổ bắt cầu mạch vành đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế không cần tuần hoàn ngoài cơ thể. Năm 2011, dưới sự chỉ huy trưởng của GS. TS. Bùi Đức Phú – Giám đốc Bệnh viện lúc bấy giờ, các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do người Việt tiến hành, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim thế giới.
Các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện phẫu thuật ghép tim. Ảnh: BVCC
Nếu ghép tạng được xem là một trong mười thành tựu nổi bật nhất của thế kỷ XX, thì việc ghép tim trên người tại Bệnh viện Trung ương Huế là một thành tựu đỉnh cao của lĩnh vực phẫu thuật tim và ghép tạng của Việt Nam. Từ ca ghép tim đầu tiên được thực hiện vào năm 2011, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 6 ca ghép tim xuyên Việt và 1 ca tại viện. Gần đây nhất là ca ghép tim tháng 12/2020, ghép tim từ người cho ở tận Bà Rịa – Vũng Tàu. Vượt qua mọi khó khăn vì sự sống của bệnh nhân, Bệnh viện Trung ương Huế đã xác lập 3 kỷ lục mới trong ghép tạng xuyên Việt: Lần đầu tiên lấy tạng tại một bệnh viện tuyến tỉnh trong nước; thời gian từ nơi lấy tạng đến nơi ghép dài nhất; thời gian từ khi quả tim được lấy ra khỏi cơ thể người hiến và được đập lại trong lồng ngực người được nhận nhanh nhất (chỉ mất 5 giờ 20 phút).
So với hơn 5 năm về trước, hiện nay Bệnh viện Trung ương Huế đã có nhiều đổi mới vượt bậc, trở thành một trong những cơ sở khám, điều trị hàng đầu Việt Nam. Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại; trang thiết bị được đầu tư, thay mới, đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi sánh ngang với khu vực và thế giới. Tổng số lần khám bệnh tăng 28%; tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 30%; tổng số trung, đại phẫu và phẫu thuật đặc biệt tăng 15%. Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật mới nhiều nhất trong toàn quốc với tổng số gần 18 nghìn kỹ thuật. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai, như ghép tạng, ghép tủy, phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm... Nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu ngang tầm khu vực và quốc tế. Riêng trong lĩnh vực ung thư, Bệnh viện Trung ương Huế đang khẳng định được vị thế rất đặc biệt khi là đơn vị xạ trị đầu tiên trong cả nước áp dụng xạ trị cho trẻ em.
GS. TS. Phạm Như Hiệp nhấn mạnh: “Với mục tiêu trở thành “Trung tâm y học cao cấp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế, chúng tôi quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cập nhật phát triển các kỹ thuật và phác đồ điều trị mới tương đương với các nước trong khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng dịch vụ; phối hợp tốt giữa Bệnh viện Trung ương Huế - Trường đại học Y - Dược Huế - Sở Y tế Thừa Thiên Huế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút và thực hiện tốt các dự án”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN
Bài 2: Cộng hưởng cùng “Giấc mơ Huế”