- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế:Nghị định số 18/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/5/2010 đã bãi bỏ chương III (Chế độ bồi thường chi phí đào tạo) của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức. Theo quy định tại điều 24 của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, công chức phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng trong trường hợp sau: “Công chức đang tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ học, thôi việc hoặc đã học xong nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết mà tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng”.

Đối chiếu trường hợp của bạn, bản thân đã công tác một thời gian sau khi học xong cao học, sau đó xin chuyển công tác về cơ quan mới và được sự đồng ý của cơ quan cũ. Do vậy, trường hợp của bạn không phải tự ý bỏ việc nên căn cứ vào quy định tại điều 24 đã dẫn ở trên, bạn không phải đền bù chi phí đào tạo. Vì bạn không tự ý bỏ việc nên việc có phục vụ đủ thời gian sau khi học xong (có cam kết hay không cam kết) cũng không phải là lý do hợp pháp để buộc bạn phải đền bù chi phí đào tạo.
 
Bạn có thể tham khảo cách tính bồi hoàn chi phí đào tạo theo Nghị định số 54/2005/NĐ-CP và Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 7/12/2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/2005/NĐ-CP. Theo đó, các khoản chi phí đào tạo được tính để bồi thường, gồm: các khoản chi cho khóa đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) tính theo từng người được đào tạo và thời gian yêu cầu phục vụ sau khi hoàn thành khóa đào tạo được tính gấp ba lần so với thời gian của khóa đào tạo. Căn cứvào thời gian yêu cầu phục vụ và thời gian công chức, viên chức làm việc liên tục tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành khóa đào tạo và tổng chi phí của khóa đào tạo để tính mức bồi thường như sau:
 
Chi phí đào tạo phải bồi thường = [(Thời gian yêu cầu phục vụ - Thời gian làm việc sau khi đào tạo): Thời gian yêu cầu phục vụ] x Tổng chi phí của khóa đào tạo.
 
Bùi Vĩnh (ghi)