Các chuyên gia đánh giá về xu hướng tiêu dùng tại Hoa Kỳ

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án về “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm rõ quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ cũng như tìm hiểu một số cơ hội và thách thức khi kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) với thị trường Hoa Kỳ.

Chuyển dịch tâm lý tiêu dùng

Ông Cung Trọng Cường, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển chia sẻ, trước bối cảnh đại dịch, ứng dụng công nghệ số và TMĐT nổi lên như một xu hướng kinh doanh mới. Các nền tảng TMĐT đã góp phần mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tìm kiếm bạn hàng mới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi mới mẻ và đầy tiềm năng này. Trong đó, các hoạt động, tăng cường xúc tiến thương mại; đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistic phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT; phối hợp Google, Alibaba, Amazon và các sàn TMĐT lớn tổ chức hội nghị kết nối về TMĐT, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các doanh nghiệp được triển khai. TMĐT giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch.

Bà Hoàng Ngọc Oanh – Chuyên gia kinh tế quốc tế Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam khẳng định, xu hướng tiêu dùng đang dần trở lại, tâm lý vượt qua đại dịch kéo theo “tâm lý mua sắm trả thù”, đặc biệt là mua sắm online phát triển mạnh.

Các doanh nghiệp cũng dần chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu là một xu hướng kinh doanh. Dự đoán trong những tháng tới, các chuỗi cung ứng sẽ được phân nhỏ hơn nữa dựa trên công nghệ số. Xu hướng mua sắm thông qua TMĐT và mua sắm trực tuyến gia tăng không giới hạn địa lý cùng sự phát triển của ngành hậu cần, những mô hình kinh doanh mới bỏ qua các khâu trung gian xuất hiện nhiều hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng.

Chất lượng, quy chuẩn sản phẩm là yếu tố quan trọng

Hỗ trợ áp dụng thương mại điện tử trong kinh doanh

Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường có tiềm năng với hơn 328 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người cao, đạt 65.760 USD/người/năm cùng với văn hóa tiêu dùng, đã tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Ngoài ra, xu hướng mua sắm của người dân đang có những chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ mua sắm online. Nếu như năm 2019, doanh số bán hàng trên TMĐT tại Mỹ là 598 tỷ đô la thì năm 2020, con số này đạt 861 tỷ đô la.

Tại hội thảo, doanh nghiệp tham gia ở điểm cầu Thừa Thiên Huế chia sẻ các khó khăn trong quá trình tiếp cận với thị trường cũng như kinh nghiệm, cách thức triển khai các hoạt động xúc tiến. Các chuyên gia tập trung chia sẻ về cách thức tiếp cận thị trường bán lẻ Hoa Kỳ, lưu ý khi xúc tiến vào thị trường này; các kênh TMĐT đang chiếm ưu thế và giải pháp xây dựng thương mại đa kênh với từng giai đoạn phát triển và loại hình doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm đưa sản phẩm “xuất ngoại”, Lê Thị Kim Hằng, người sáng lập YesHue chia sẻ rằng, quan trọng nhất khi xúc tiến thị trường Hoa Kỳ chính là chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Ngoài ra, những doanh nghiệp đang có ý định tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ cần nghiên cứu kỹ hệ thống quy chuẩn và những yêu cầu chất lượng cụ thể cho từng sản phẩm. Tốt nhất nên nhờ doanh nghiệp chuyên tư vấn thực hiện các giai đoạn ban đầu để công tác xúc tiến được thực hiện tốt hơn thay vì phải mò mẫm “dò đường”.

Đó cũng là tư vấn của Chuyên gia kinh tế quốc tế Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam, Hoàng Ngọc Oanh, người tiêu dùng Hoa Kỳ thường có xu hướng quan tâm đến chất liệu, thương hiệu khi chọn mua sản phẩm liên quan tới sức khỏe; còn các sản phẩm liên quan đến thẩm mỹ, cá tính thì họ thường quan tâm đến thiết kế, chất liệu. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng này phải tuân thủ các tiêu chuẩn FCC, DOE, FDA của Hoa Kỳ. Do đó, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần phải xem xét các yếu tố như: thương hiệu, đặc tính/thuộc tính, yêu cầu về chất lượng… của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng tới.

Bài, ảnh: Hoàng Loan