Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu trong một lần tham gia thảo luận tổ
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biểu của đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, cho rằng các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra được chuẩn bị với chất lượng khá tốt; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát hạn chế, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch, làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan và giải pháp đột phá cho việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mới, phát sinh đang đặt ra; lưu ý việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình trong Kế hoạch cần phải logic, khả thi, bảo đảm tính bền vững.
Về mục tiêu cụ thể, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, kế hoạch đã thể hiện tính mới, có 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, kế hoạch cần bổ sung các chỉ tiêu phát triển về các loại hình thị trường; cơ cấu lại không gian kinh tế; phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Cần đặt thời hạn cho 5 mục tiêu không đạt, nhất là ba chỉ tiêu trọng tâm về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng. Bổ sung mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp, đóng góp của DN vào GDP theo văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII. Làm rõ nội hàm, các yếu tố cơ cấu thành kinh tế số làm cơ sở xác định mục tiêu về số và liên quan đến chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong xu thế mới, có sự chuyển dịch lực lượng lao động.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, thời gian tới, bối cảnh nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh…
“Tác động của đại dịch có thể còn kéo dài, do đó cần điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng, theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững, hài hòa giữa văn hóa, an sinh xã hội và môi trường. Phát triển đô thị, kinh tế đô thị, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị”- đại biểu đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu thảo luận tại tổ
Về thị trường lao động, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, báo cáo cần tập trung phát triển tài nguyên con người, lực lượng lao động. Theo Tổng cục Thống kê, Điều tra lao động- việc làm qua các năm 2019, 2020, quy mô lực lượng lao động tăng nhưng tốc độ tăng giảm dần, chủ yếu do tác động của già hóa dân số. Những đặc điểm này của lực lượng lao động đặt ra thách thức cho phát triển KT-XH trong thời kỳ tới, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để góp phần tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm cho phù hợp cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.
“Vì vậy, cần phát huy lợi thế con người của đất nước, đảm bảo người lao động, nhân dân là chủ thể của quá trình phát triển; đổi mới mô hình đào tạo, hướng vào đào tạo nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, nhanh chóng toàn dụng lực lượng lao động với năng suất cao và thu nhập thỏa đáng để đến khi cửa sổ vàng kết cấu tuổi dân số đóng lại; chuyển nhanh lao động phi chính thức thành chính thức, từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị,…”- đại biểu nhấn mạnh.
Phát biểu về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy hoạch đất quốc gia cần tạo cơ sở pháp lý, thống nhất phân bổ nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hôi, quốc phòng- an ninh. Quỹ đất các loại cần được kiểm kê, thống kê thực địa thực chất tránh chồng lấn, phá vỡ môi trường sinh thái và hệ sinh thái hạ tầng cơ sở sinh tồn của toàn dân, đất nước.
Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước-thị trường-xã hội, cần giải quyết căn cơ những bất câp trong quy hoạch sử dụng đất và tài chính đất đai. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể đáp ứng mục tiêu phát triển KT- XH; quy hoạch đất đai cần đáp ứng nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Có giải pháp quản lý chặt chẽ đất rừng, tránh lấn chiếm.
Bài, ảnh: Thái Bình