Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Quốc hội lần thứ 44 của Canada và Chính sách châu Á”. Ảnh: Nguyễn Viết Tuân/TTXVN

Kể từ năm 1977, Chính phủ Canada đã ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ ổn định và lâu dài với vành đai châu Á-Thái Bình Dương. Canada đặt mục tiêu tăng cường mối quan hệ đối tác này thông qua hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, đến chính trị, an ninh…

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Justin Trudeau cũng đã khẳng định: “Khi kết thúc cuộc chiến với COVID-19, việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Canada với các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đa dạng hóa thương mại trên khắp châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phục hồi của chúng tôi”. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, cương lĩnh của đảng Tự do (đảng cầm quyền tại Canada) hứa hẹn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và xây dựng một chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mới nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong khu vực.

Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Canada và ASEAN - một trong những khu vực kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới - đạt 26,6 tỷ CAD (tương đương 21,4 tỷ USD) trong năm 2020. Là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada, ASEAN tạo cơ hội cho Canada đổi mới chiến lược thương mại và tăng cường xuất khẩu.

Thượng nghị sĩ Victor Oh nhấn mạnh những yếu tố nền tảng trên là cú hích để Canada tăng cường hơn nữa mối quan hệ với ASEAN, trong bối cảnh 40 năm qua, Canada và ASEAN cùng sẻ chia mối quan hệ hợp tác bền chặt.

Bà Sophia Leong - thành viên Ban cố vấn Canada-ASEAN Initiatives - nhận định đây là thế kỷ của châu Á và Việt Nam đã cho thấy sức phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19 khi là một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Bà Sophia Leong đặc biệt đề cao vai trò của Việt Nam đối với Canada, nhấn mạnh đến các khía cạnh như nhu cầu của thị trường Việt Nam, đội ngũ nhân lực tài năng, yếu tố địa chính trị, mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước và việc hai nước cùng chia sẻ văn hóa-ngôn ngữ Pháp (Việt Nam gia nhập Cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1970, trong khi tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức tại Canada, bên cạnh tiếng Anh).

Cách đây vài tháng, nhân dịp 5 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông (12/7/2016), Canada đã ra tuyên bố “tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này”.

Canada tuyên bố ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo Ottawa, những nguyên tắc này là “cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”. Canada là nước xuất khẩu số lượng lớn ngũ cốc, quặng khoáng sản, than đá, dầu mỏ... chủ yếu sang thị trường châu Á và là nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm chế tạo, phần lớn từ các nhà máy ở châu Á. Do đó, Canada phụ thuộc nhiều vào thương mại hàng hải ở Thái Bình Dương.

Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, ông Lại Thái Bình bày tỏ hy vọng chính phủ mới của Canada sẽ duy trì sự quan tâm tích cực đến Biển Đông trên nhiều phương diện; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển với Việt Nam và các nước Đông Nam Á sâu rộng hơn nữa để tận dụng tiềm năng to lớn giữa các bên, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó có kinh tế biển và đại dương.

Theo Báo Tin tức