Các đại biểu cho rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới. Đặc biệt, cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những "nút thắt" của mỗi ngành, mỗi địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Thực tế cho thấy, giai đoạn phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên đã đến hạn, thể hiện rõ nhất là giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng GDP của nước ta trung bình ở mức 7,29% nhưng giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 5,9%. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để tạo ra những động lực tăng trưởng mới.

Nhiều ý kiến nhận định, trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài cùng với những yếu tố bất định sẽ tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đại biểu cho rằng, kế hoạch cần tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...

Để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, cần xây dựng một cơ chế điều phối quốc gia về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt tập trung xây dựng thể chế phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Trong Đề án về định hướng lập pháp của Quốc hội khóa XV đã có đề cập, nhưng cần tập trung xây dựng một cách quyết liệt hơn. 

Đại biểu cho rằng, không thể phát triển được kinh tế số, xã hội số khi hạ tầng thông tin còn rất kém phát triển, vì vậy cần tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó lưu ý xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin. Đại biểu tỉnh Nghệ An dẫn chứng, trong đợt học trực tuyến vừa qua, nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước rất khó khăn trong việc thực hiện do không có sóng điện thoại, không có mạng băng thông rộng.

“Cần đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì con người luôn là yếu tố cơ bản nhất”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng không gian kinh tế rất quan trọng, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến các quan điểm: tiếp tục thực hiện cơ cấu đồng bộ từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành; việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu là đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới, trong đó cần tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý để có thể tạo được đột phá mang tính bền vững cần tạo lập niềm tin cho người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số. Đó là niềm tin về việc bảo vệ và sử dụng dữ liệu của người dân cho mục đích công cộng, tránh tình trạng nghi ngại trong việc cài đặt các ứng dụng để triển khai sử dụng trên diện rộng.

Nhiều ý kiến nhận định, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các quốc gia phải đối diện với nhiều vấn đề rất khó trong khi phải ra các quyết định nhanh nhất để giải quyết những hệ lụy do đại dịch gây ra. Các đại biểu cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia để có những quyết sách nhanh, toàn diện hơn, có tính dự báo tốt hơn.

Tạo liên kết vùng để phát triển bền vững

Các đại biểu Quốc hội nhận định, thực tế đã nhiều đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm cho phù hợp. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phát huy lợi thế, bảo đảm người lao động là chủ thể.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắc Nông) đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, xứng đáng là trụ cột cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế; quy mô còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chưa chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững.

Đại biểu tỉnh Đắc Nông cho rằng hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo, việc sử dụng tài nguyên đất chưa cao, nhiều nơi còn lãng phí… là những nguyên nhân khiến thu nhập của người nông dân vẫn thấp. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, mục tiêu phát triển bền vững phải được chú trọng theo hướng minh bạch, trách nhiệm; việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thông mới, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết vùng với quy mô lớn, tạo ra sức cạnh tranh để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm… Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp giúp cho hoạt động sản xuất của người dân thuận lợi và hiệu quả hơn.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị cần tạo ra đột phá trong chuyển dịch kinh tế hộ thành kinh tế hợp xã, nâng cấp hợp tác xã thành doanh nghiệp hay kinh tế khởi nghiệp, góp phần tạo liên kết vùng, chọn ngành có lợi thế nhất để giúp đỡ nhau phát triển bền vững. Việc phát triển quỹ tín dụng nhân dân cũng rất quan trọng nhằm giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị cần xây dựng tiêu chí và cơ chế hoạt động quỹ cụ thể, có lồng ghép các nguồn tín dụng khác để đảm bảo hiệu quả.

Cho rằng, sự thay đổi của ngành nông nghiệp ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống về mọi mặt của hàng chục triệu nông dân, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) khẳng định, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng cần phải thay đổi, phải cơ cấu lại để thích ứng với hiện thực nhiều biến động và đòi hỏi ngày càng tăng của thị trường.

Đại biểu tỉnh Lạng Sơn phân tích, trên thực tế, mặc dù là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, số tiền chi trả để nhập khẩu các nguyên liệu nông nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, mấy tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến cho doanh nghiệp, các hộ nông dân chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn và thua lỗ. Đại biểu Thái cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón, các nguyên liệu khác.

“Tôi đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, xem xét đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, đại biểu nêu ý kiến.

Các đại biểu cho rằng, để tạo đột phá, ngành nông nghiệp cần chú trọng hơn vào thị trường trong nước chứ không chỉ quan tâm đến thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm nông nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu để kích cầu, hướng đến mục tiêu khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Quy hoạch phải đi trước một bước

Thảo luận trực tuyến, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho biết, 10 năm qua, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Nền kinh tế phát triển ổn định, có tốc độ phát triển cao, đời sống nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại, nền kinh tế còn có những hạn chế như báo cáo đã nêu, cần có những giải pháp để khắc phục.

Đại biểu Đào Hồng Vận phân tích, trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để ổn định quan trọng nhất chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò điều tiết của nhà nước bằng các công cụ chính sách.

Về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, đại biểu tỉnh Hưng Yên cho rằng cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ "đọ" quy hoạch kia. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Đại biểu cũng đánh giá, liên kết vùng là hết sức cần thiết. Để liên kết vùng được phát huy hiệu quả, rất cần sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể và rõ ràng.

Nhiều đại biểu kiến nghị, cơ cấu lại nền kinh tế cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp mang tính định hướng, chủ đạo của nền kinh tế. Những lĩnh vực khác đang làm tốt, phù hợp với kinh tế thị trường thì để xã hội làm, không để tình trạng lĩnh vực xã hội làm tốt mà vẫn cố giữ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, định giá chính xác, đấu giá công khai rộng rãi, minh bạch; đồng thời, tiếp tục cơ chế tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi cần nguồn lực phải triển khai được ngay để đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, tránh tình trạng lãnh phí. Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những "nút thắt" của mỗi ngành, mỗi địa phương để từ đó có những giải pháp hiệu quả, bền vững.

Theo TTXVN