Vừa đút thẻ vào khe nhận của cây ATM và dợm bấm mật khẩu để rút tiền, tôi giật mình nghe tiếng một người đàn ông từ phía sau lưng:

- Anh rút tiền à?

- Vâng. - Tôi gật đầu, thoáng một chút dè dặt, bởi trời đang mưa rất to, xung quanh vắng ngắt không có một ai.

- Anh cho tôi nhờ chút được không?

- Việc gì đấy, sẵn sàng nếu giúp được – Tôi trả lời, vẻ hờ hững nhưng tâm thế rất cảnh giác.

Người đàn ông rút ra 2 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, giọng khẩn khoản:

- Nhờ anh chuyển giúp 1 triệu đến cho người bạn của tôi, tôi sẽ đưa tiền cho anh, tại đi ngân hàng mà người ta đang ngày nghỉ…

Tự nhiên như phản xạ vô điều kiện, tôi lắc đầu cái rẹt:

- Thôi, anh thông cảm, tui mắt mũi kèm nhèm không gương không kính, lại chỉ biết có mỗi thao tác đút thẻ - rút tiền, tiền ra - rút thẻ. Chấm hết. Anh chịu khó đợi chút, có ai trẻ trẻ, rành công nghệ tới rút tiền rồi nhờ họ giúp.

Tôi vừa nói vừa cho tiền, cho thẻ vào ví, và gật đầu chào. Trong đầu gợn lên bao chuyện nào tiền giả, nào lộ lọt tài khoản, nào bị đánh cắp passwork… và nghĩ rằng mình đã quyết định đúng. Nhưng đến khi trở xe nổ máy rời đi, nhìn người đàn ông vẫn đang còn nán chờ ở cột ATM, lòng lại chợt chùng xuống. Tự hỏi, biết đâu đúng là anh ấy cần chuyển tiền vì có việc gì đó gấp thật sự mà chưa biết phải nhờ ai. Thôi, hy vọng người đến rút tiền kế tiếp sẽ là dân rành rẽ công nghệ, ngân hàng, biết phân biệt tiền giả tiền thật và sẽ sẵn lòng trợ giúp nếu quả là người đàn ông ấy cần giúp đỡ thật.

Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng sao nghe cứ mãi bần thần. Bao giờ và do đâu mà cuộc sống cứ lăn tăn với những nghi ngờ và cảnh giác. Thả hết thì bất an mà ôm giữ thì muộn phiền. Lời giải nào cho câu chuyện chẳng mấy vui vẻ này? Không cách nào khác mà phải là tổng hợp từ nhiều giải pháp, nhưng căn bản có lẽ phải bắt đầu từ gia phong và sự dạy dỗ thấu đáo nơi mỗi mái trường…

Thượng Bích