Cần hành động nhanh để cứu thế giới khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: DevelopmentAid/TTXVN/Vietnam+

Chủ tịch COP 26 Alok Sharma nhận định: “Tôi không đánh giá thấp thách thức của việc đạt được một thỏa thuận hiệu quả để cắt giảm thỏa đáng khí thải. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết những vấn đề còn tồn tại”.

Trong một ý kiến khác có liên quan, Thư ký điều hành Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa thừa nhận, nhiệm vụ nhanh chóng phải chuyển nền kinh tế thế giới sang một quỹ đạo xanh hơn để tránh các tác động khí hậu ngày càng nghiêm trọng là vô cùng khó khăn. Trong đó, sự chuyển đổi cần phải vượt ra ngoài phạm vi, quy mô và tốc độ của bất kỳ điều gì nhân loại đã hoàn thành trong quá khứ. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng con người được đánh giá cao về sự khéo léo của mình.

Vì vậy, bà Patricia Espinosa khuyến khích các nhà đàm phán ghi nhớ bức tranh tổng thể khi họ “mặc cả” chi tiết về những yếu tố như tài chính và thị trường Carbon, cùng lúc gợi nhắc về những gì tất cả các nước và tất cả mọi người đã cùng cố gắng đạt được...

Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nhà đàm phán tham gia kỳ hội nghị thượng đỉnh này “đàm phán trung thực với nhau và với phần còn lại của thế giới” về những thất bại trong quá khứ để hành động đủ nhanh trước các mối đe dọa về khí hậu và lựa chọn những hành động khó nhưng cần thiết.

“Đã hết thời gian bào chữa. Đã đến lúc phải thực hiện những điều đúng đắn”, Chủ tịch Abdulla Shahid – người cũng cùng lúc là Ngoại trưởng Maldives nhấn mạnh.

Được biết, giữa lúc các cuộc đàm phán đang diễn ra, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo, 7 năm qua là thời điểm nóng kỷ lục và mực nước biển dâng đạt mức cao mới trong năm 2021. Đây chính là những sự thay đổi chưa được khám phá và có hậu quả sâu rộng đến các thế hệ, ngay cả trong hiện tại và tương lai.

Sau nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế xanh hơn dựa trên năng lượng sạch cần phải được thúc đẩy công bằng hơn và bao trùm hơn, khi các chính phủ đầu tư lớn chưa từng có để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Susan Aitken, lãnh đạo hội đồng thành phố Glasgow tuyên bố: “Công bằng khí hậu và công bằng xã hội là không thể tách rời”.

Hạnh Nhi

 (Lược dịch từ CNA)