Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”
Tin vui này đến với nhà thơ Trần Vàng Sao sau hơn ba năm ông rời bỏ cuộc chơi, tháng 5/2018. Riêng bài thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” được ông được sáng tác vào tháng 12/1967 đã được bình chọn 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, 100% ý kiến của hội đồng này đều đồng ý trao giải B cho cuốn thơ của Trần Vàng Sao. Người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại, hơn một năm trước, khi biết tin NXB Hội Nhà Văn sẽ in tập thơ này, có rất nhiều người khuyên ông cân nhắc, vì thi thoảng NXB Hội Nhà Văn lại “có chuyện” vì những tác phẩm ra đời từ đây.
Bỏ qua những lời khuyên đó, NXB Hội Nhà Văn quyết định cho ra mắt tập thơ này, và chính ông Thiều “tự nguyện” viết đôi dòng lời tựa cho tập thơ. “Xin cám ơn một cách sâu sắc những thành viên của Ban giám khảo các cấp. Họ đã làm việc một cách công tâm nhất và vì những tác phẩm văn chương thực sự. Họ là những người yêu nước cũng như Trần Vàng Sao đã yêu nước”, ông Thiều xúc động.
Trong lời tựa tập thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể, đó là một sáng mùa thu năm 2019 ông đón nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đến NXB Hội Nhà Văn. Trên tay ông Điềm khi đó là một bản thảo và nói rằng muốn NXB Hội Nhà Văn in tập thơ này bởi đó là những bài thơ của một người yêu nước với cuộc đời quá nhiều thăng trầm. Đó là tập bản thảo những bài thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao. Toàn bộ những bài thơ trong tập này là do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn. Bản thảo gồm những bài thơ đã in trên một số báo và tạp chí cùng nhiều bài thơ chưa được công bố do gia đình lưu giữ.
Trước đó ông Thiều đã đọc rất nhiều thơ của nhà văn Trần Vàng Sao và nhận định: Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào... Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, dày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông… Và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông.
“Cuộc đời và thơ ca của Trần Vàng Sao đã được đông đảo những người yêu văn học biết đến. Có những lúc, thơ ca của ông đã trở thành rắc rối và cả những trầm luân nào đó đối với cuộc đời ông. Và không phải lúc nào thơ ca của ông cũng được hiểu đúng. Nhưng ông đã sống và đã sáng tạo như chính ông trong chính thời đại của ông”, ông Thiều viết và đúc kết: Trần Vàng Sao là một thi sỹ chân chính đến trầm luân, Trần Vàng Sao là một người yêu nước đến đau đớn.
Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2020, có thể xem là đầy đủ nhất trong số gia tài thơ của Trần Vàng Sao, trong đó có những bản thơ được lấy từ “lưu trữ gia đình”
Bài thơ cùng tên với tập thơ được xem là tuyệt phẩm, phong cách thơ của Trần Vàng Sao.
Và nhắc đến thơ của ông, không thể không nhắc đến “Bài thơ của một người yêu nước mình” với những câu thơ da diết về tình yêu Tổ Quốc:
... Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
Ngoài tập thơ được trao giải này, vào năm 2012, NXB Hội Nhà Văn đã in cho ông tập thơ đầu tiên, đó là trường ca Gọi tìm xác đồng đội.
Nhà thơ Trần Vàng Sao thuở còn sống, ngồi lật lại những trang thơ do mình tự tay chép trong ngôi nhà ở Vỹ Dạ. Ảnh: M. Tự Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (Tân Tỵ), quê quán ở thôn Vĩ Dạ, TP Huế. Ông học trung học ở Trường Quốc Học - Huế, đỗ tú tài rồi tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Huế. Năm 1961, ông tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Huế cùng với các nhà thơ Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Thái Ngọc San, họa sĩ Bửu Chỉ... Từ năm 1965, ông lên chiến khu, công tác tại cơ quan thanh niên, sau đó là Ban tuyên huấn Thành ủy Huế. Tại đây ông viết báo và làm thơ. Năm 1970, ông ra miền Bắc an dưỡng. Sau ngày thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê, công tác tại Phòng văn hóa thành phố Huế, sau đó trở lại làm chân giao liên của xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. |
Nhật Minh