Đội ngũ cán bộ dự nguồn hoàn thành lớp bồi dưỡng tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh

Nỗ lực trong gian khó

Trải qua 4 đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh luôn bị động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó, đã có 4 đợt cho học viên nghỉ học, lâu nhất là 2 tháng. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của trường cũng không thực hiện được như tiến độ. Thời gian các lớp đào tạo, bồi dưỡng bị kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, công tác của học viên...

“Đây không chỉ là sự lo lắng, trăn trở của riêng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh mà là thách thức rất lớn đối với các trường chính trị của 63 tỉnh, thành thuộc sự quản lý về chuyên môn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với nỗ lực, cố gắng của mình, sự quan tâm, hỗ trợ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng đưa hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến vào thực hiện”, ThS. Nguyễn Thị Liễu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học chia sẻ.

Thời gian đầu thực hiện dạy và học trực tuyến, một trong những khó khăn là trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của giảng viên và học viên; việc lựa chọn hệ điều hành, phần mềm thực hiện để phù hợp với đối tượng học viên và chức năng của trường… ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy và học.

“Đường truyền và phương tiện sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đối với các học viên ở các vùng sâu, vùng xa; thái độ, chất lượng của học viên trong thời gian học trực tuyến; sự quản lý trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến chưa nhuần nhuyễn, chưa kịp thời... cũng là vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp”, ThS. Nguyễn Thị Liễu chia sẻ thêm.

Đến nay, sau gần 5 tháng thực hiện trực tuyến trong giảng dạy, đội ngũ giảng viên, chuyên viên của Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh từng bước đã quen dần và nhuần nhuyễn hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin. Học viên từ những buổi đầu còn lúng túng trong việc vào “học”; việc điều khiển âm thanh và hình ảnh, chia sẻ thông tin, thì nay đã quen dần và thuận tiện hơn khi học trực tuyến. Hoạt động quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từ trực tiếp sang trực tuyến cũng thay đổi và điều chỉnh để đảm bảo chất lượng và kịp thời… Tiến độ đào tạo, bồi dưỡng được đảm bảo, với 23 lớp đào tạo trung cấp (trong đó có lý luận chính trị - hành chính và lý luận chính trị) với 1.700 học viên; 15 lớp bồi dưỡng với 1.200 học viên; đảm bảo thực hiện được 2/3 kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức năm 2021 do Thường trực Tỉnh ủy giao.

Đổi mới để đáp ứng yêu cầu

Để nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến, một số ý kiến  cho rằng, ngoài yếu tố hạ tầng như đường truyền, chất lượng giáo án điện tử, kỹ năng truyền đạt của giáo viên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức và quyết tâm từ người học, hiệu quả tương tác trực tiếp, qua email, trong các hội nhóm… Không tạo áp lực đối với giáo viên và học viên khi dạy học trực tuyến, nhưng giáo viên phải sẵn sàng thay đổi. Nếu, giảng viên chưa sẵn sàng cho sự thay đổi trong giảng dạy trực tuyến thì học viên cũng khó có thể thích ứng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện giáo án, nhất là lựa chọn phương pháp.

Thực tế cho thấy, học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị là đa số có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm công tác. Do đó, cần tăng cường định hướng, chia sẻ học liệu để học viên nghiên cứu trước, dành nhiều thời gian cho thảo luận, trao đổi, thực hành vận dụng lý thuyết để xử lý tình huống thực tiễn, nâng cao hiệu quả làm việc.

“Hoạt động tự học của học viên phải được coi là một phần quan trọng trong toàn bộ chương trình khóa học, nhất là khi chương trình đó được thực hiện bằng hình thức dạy học trực tuyến. Vì vậy, hoạt động tự học của học viên phải được nhà trường kiểm soát thông qua kế hoạch, kiểm soát tiến độ, đánh giá chất lượng sản phẩm tự học”, ThS. Nguyễn Thị Hà, Giảng viên Khoa xây dựng Đảng trao đổi.

“Đến năm 2024, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh phát triển trên nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài liệu giảng dạy và học tập theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến”, TS. Nguyễn Thị Châu, TUV, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh khẳng định.

Bài, ảnh: Anh Phong