Dù có diễn giải theo nghĩa nào thì cũng có một nghĩa cần đề cập đến, đại ý là “cái loại bô lô chi trợt” thì lấy gì mà nắm, phải nắm người có cái gì kia chứ?

Nhìn vào đời sống hàng ngày, thấy có nhiều biểu hiện của việc này, nhưng theo nghĩa không tích cực mấy. Có những việc, không tích cực có khi ảnh hưởng đến xã hội ít nhưng có những việc “không nắm kẻ trọc đầu” là nó ảnh hưởng đến xã hội ghê gớm. Chuyện quản lý trật tự đô thị, chẳng hạn.

Gần đây, quan sát thấy trên đường phố, hiện tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm ngày càng nhiều. Cần nhắc lại rằng, khi quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy mới ban hành thì có nhiều dư luận chế nhạo, kiểu như “đội nồi cơm điện”. Giờ thì ai cũng thấy giá trị của việc đội mũ bảo hiểm rồi. Đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen. Ai đi ra đường mà không đội mũ bảo hiểm có cảm giác như mình chẳng giống ai. Thế là người người tự nguyện. Xã hội trở nên thẳng thớm, văn minh.

Tôi dám khẳng định rằng, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nhiều nhất hiện nay là những thanh thiếu niên không nghiêm túc, dân gian thường gọi là “choai choai”. Đã không đội mũ bảo hiểm rồi mà còn chạy bạt mạng, lạng lách, nẹt pô, đánh võng. Người đi đường đàng hoàng bình thường khi nghe tiếng xe máy gầm rú là “hết hồn” né tránh chứ nói gì đến nhắc nhở hay can thiệp. Giờ chúng ta có đô thị thông minh rồi. Nếu không giám sát hết bằng cách tuần tra thì cứ trích xuất camera giám sát đô thị ra mà trị.

Thật sự mà nói, đây là những kẻ liều mạng. Có thể họ nhận thức chưa đầy đủ về một trật tự cuộc sống mà chúng ta phải tuân thủ. Có thể họ là những thanh niên lêu lổng, cũng có thể họ coi thường sự quản lý trật tự xã hội, vì đi đứng như vậy có thấy ai nói gì, nhắc nhở gì, phạt gì… Tôi quan sát nhiều thanh niên chạy xe kiểu này, e rằng có bắt, có xử phạt thì họ không có điều kiện để thực hiện những nghĩa vụ tài chính phải làm. Về mặt quản lý xã hội, nhất thiết phải kiên quyết răn đe những người có cách ứng xử như thế. Phải làm kiên quyết, làm đến nơi đến chốn chứ không phải “trọc đầu” là muốn làm gì thì làm. Nó ảnh hưởng đến kỷ cương phép nước, trật tự xã hội.

Anh đi xe không đội mũ bảo hiểm phải không, nẹt pô đánh võng phải không? Lấy luật ra mà phạt, không thể du di được. Nếu không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải có một biện pháp nào đó thay thế, ví dụ như lao động công ích. Giá nhân công đã có thị trường quyết định. Anh phải làm cho đến bao giờ trả hết nghĩa vụ tài chính mới thôi. Lần đầu thì phạt thế, tái diễn thì nâng mức phạt nặng hơn. Nếu như chúng ta chưa có luật cưỡng chế lao động bắt buộc thì phải xây dựng để đảm bảo tính răn đe đối với những người “liều mạng”.

Thực tế trong xã hội có nhiều người nghĩ rằng “mình chẳng có gì, hoặc còn gì để mất”, nên họ có nhiều hành động chẳng giống với đa số. Và về mặt quản lý Nhà nước, cũng có thể ở một số nơi, một số lúc nào đó, chúng ta cũng không quan tâm đúng mức. Nhưng thực tế, đây chính là những con người, những hành vi làm ảnh hưởng đến kỷ cương phép nước nhiều nhất.

Kỳ họp HĐND của TP. Hồ Chí Minh vừa rồi lại nhắc đến chuyện chăn dắt trẻ em. Hành vi này đã tồn tại từ lâu và chính quyền cũng đã áp dụng nhiều giải pháp quyết tâm dẹp bỏ. Nhưng lạ là nó vẫn tồn tại. Đây chỉ là một ví dụ nữa về mặt quản lý xã hội. Nó tồn tại sờ sờ trước mặt mọi người, tại sao chúng ta không tìm được giải pháp dẹp bỏ được? Hay là chúng ta nhận thức đó là chuyện nhỏ, chuyện của những người “trọc đầu” nên không nắm?

Nguyễn Lê Bình