HTX mây tre đan Bao La tạo việc làm ổn định
Tạo việc làm, thu nhập ổn định
Dịch COVID-19, nhiều mặt hàng, sản phẩm của nhiều HTX khó tiêu thụ, thậm chí tồn đọng do khó vận chuyển, hoặc không thể xuất khẩu. Trong khi đó, HTX thêu Phú Hòa lại hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 32 lao động. Trong số các lao động thường xuyên đa phần là phụ nữ, với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3-3,5 triệu đồng/người. Người lao động còn được hưởng các khoản thu nhập như thưởng vượt khoán, thưởng các ngày lễ, tết…
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thêu Phú Hòa-Lê Quang Thân khẳng định, thành công của HTX nhờ chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã đa dạng và độc đáo. HTX ứng dụng các phần mềm vào việc thiết kế sản phẩm trên máy vi tính với độ chính xác, thẩm mỹ cao. Sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, giá cả “linh động - phù hợp - cạnh tranh”. HTX tổ chức tiêu thụ, phân phối sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm, các đợt xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu các mẫu sản phẩm đến khách hàng.
HTX duy trì, kết nối với các đối tác và mở rộng thị trường, từ đó đưa về nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Mới đây, HTX chủ động quảng bá sản phẩm thông qua việc mở thêm chi nhánh Thái Hòa tại TP. Huế, làm nơi trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời phát huy tối đa hình thức quảng bá thông qua trang web, các trang mạng xã hội, nhiều mặt hàng của HTX từ đó có mặt ở nhiều nước châu Âu.
HTX cao cấp Đúc Thắng Lợi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm từ khuôn đất truyền thống chuyển sang sử dụng khuôn cát. Ứng dụng công nghệ này góp phần tăng năng suất 20%, tiết kiệm nhiên liệu 15%, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù phải cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ trong và ngoài nước, nhưng HTX chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành nên sản phẩm của HTX vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX 2,5-4,5 tỷ đồng, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trên 3 triệu đồng/tháng.
Đầu tư đúng hướng
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo thông tin, tại huyện Quảng Điền mới đây phối hợp với Sở Công Thương bổ sung quy hoạch cụm CN-TTCN Quảng Lợi vào phương án phát triển cụm CN trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy các ngành nghề, các HTX hoạt động trong các lĩnh vực CN-TTCN như cơ khí, chế biến nông lâm thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, mộc, nội thất cao cấp... Nhiều HTX được đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng, tiêu thụ ổn định như HTX nước mắm Tân Thành, HTX Quảng Thọ II, HTX mây tre đan Bao La...
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, các HTX hoạt động trong lĩnh CN-TTCN tương đối ổn định, hoạt động đúng Luật HTX năm 2012, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường so với nhiều HTX khác. Các HTX năng động trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động và đóng góp nhất định cho ngân sách địa phương. Các HTX huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm nghề truyền thống như đúc đồng, mây tre đan, thêu ren, dệt Zèng, sản xuất rượu, dầu tràm, cơ khí, mộc mỹ nghệ...
Từ việc mở rộng quy mô hoạt động SXKD, HTX CN-TTCN xây dựng được mối liên kết giữa các hộ sản xuất, đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu, cải tiến mẫu mã và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhiều HTX phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện, lợi thế về nguyên vật liệu, sự quan tâm hỗ trợ phát triển thị trường, đầu tư thiết bị tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực... từ các sở, ngành, địa phương. Từ đó khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD, nhiều sản phẩm tạo được uy tín và tiêu thụ tốt, đảm bảo việc làm và đời sống cho thành viên, người lao động.
Tuy nhiên các HTX CN-TTCN vẫn gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định trong tiếp cận, hưởng thụ những chính sách tín dụng của Nhà nước nhằm thúc đẩy SXKD. Gần đây, tình hình hoạt động tại một số HTX CN-TTCN gặp trở ngại do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ khó khăn, đang hoạt động cầm chừng như HTX dệt may thổ cẩm A Lưới, HTX dầu tràm Lộc Thủy… Doanh thu của các HTX này giảm khoảng 40% so với những năm trước, thu nhập của người lao động giảm khoảng 25%. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ban ngành, địa phương đang tập trung hỗ trợ các HTX tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là vốn vay ưu đãi đầu tư công nghệ, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển SXKD.
Toàn tỉnh hiện có 23 HTX CN-TTCN (tăng 6 HTX so với năm 2003) thuộc các ngành nghề truyền thống và nghề TTCN như sản xuất mây tre đan, thêu, đúc đồng, dệt thổ cẩm, sản xuất tinh dầu, khai thác đá, cơ khí, mộc mỹ nghệ... Các HTX trong lĩnh vực này có xu hướng tăng, chủ yếu từ những làng nghề truyền thống. Tổng số thành viên tham gia trong các HTX là 467 thành viên, 503 lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân mỗi HTX ước 3,5 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 3,8 triệu đồng/người.
Bài, ảnh: Hoàng Triều