Sự nóng lên toàn cầu sẽ làm cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Nguồn: Fotolia

Nghiên cứu mới được công bố vào hôm qua (3/11) của Climate Resource cho thấy rằng nếu tất cả 194 quốc gia thực hiện đúng các cam kết mà họ đã đưa ra theo Thỏa thuận Paris, thế giới có cơ hội tốt để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,9 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Mức tăng nhiệt độ này nằm trong mục tiêu dưới 2 độ C được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015, nhưng vẫn cao hơn ngưỡng 1,5 độ C mà các nhà khoa học khí hậu cho rằng sẽ giúp các quốc gia tránh được những tác động khí hậu khắc nghiệt hơn.

Theo các nhà khoa học, mỗi mức độ ấm lên có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các tác động khí hậu, khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng và các cơn bão càng trở nên dữ dội hơn.

Được biết, những kế hoạch mới về khí hậu của Trung Quốc và Ấn Độ được đưa ra tại Hội nghị COP26 là động lực chính cho sự thay đổi này, giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức mục tiêu dưới 2 độ C. Cụ thể, cả 2 nước đều ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào năm 2060 và 2070.

Hồi tháng 10, chỉ vài ngày trước khi các cuộc đàm phán về khí hậu COP26 bắt đầu ở Glasgow, Trung Quốc - nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - đã công bố kế hoạch quốc gia nêu chi tiết những cách thức để đạt mục tiêu trung hoà carbon dioxide trước năm 2060. 

Trong khi đó với Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố trong COP26 rằng nước này cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070, trở thành quốc gia cuối cùng trong số các nước gây ô nhiễm carbon lớn nhất thế giới công bố mục tiêu không phát thải rong.

Ông Modi cũng thông báo rằng cường độ carbon của nền kinh tế Ấn Độ - lượng hàng hóa được sản xuất trên một đơn vị năng lượng - sẽ giảm 45% vào năm 2030. Mục tiêu trước đó là 35%.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiện đã có 11 quốc gia cập nhật những đóng góp của họ trong vấn đề khí hậu - đề cập đến các cam kết về khí hậu mà các quốc gia đưa ra theo Thỏa thuận Paris, trong đó có các cam kết mới phải được đệ trình 5 năm một lần. Vòng cam kết đầu tiên được thực hiện vào năm 2015.

Hội nghị năm nay đánh dấu vòng đệ trình thứ hai từ các quốc gia, sau khi bị hoãn một năm do đại dịch COVID-19. Dự kiến, các quốc gia sẽ cam kết giảm phát thải tham vọng hơn nhiều.

Trong một phân tích được đệ trình hồi tháng 9, LHQ cho biết các cam kết tính đến thời điểm đó đang đưa thế giới đi vào con đường nóng lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Với các cam kết mới, thế giới có thể kiềm chế sự nóng lên ở mức 1,9 độ C, nhưng với điều kiện các nước phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ nhưng cam kết đã đưa ra, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitstimes)