Nhiều thể loại
Có thể nói rằng, vài năm trở lại đây, dễ nhìn thấy nhất là đối với giới trẻ, nói tiếng Anh phổ biến một, nhưng nói nửa Anh nửa Việt lại phổ biến mười.
Nói chuyện nửa Anh, nửa Việt đang là trào lưu nhưng không phù hợp với người Việt
Đương nhiên, cũng cần phải nhìn về nhiều mặt, với nhiều lý do. Một số cố tình nói tiếng xen kẽ hai thứ tiếng như một phương pháp trong giảng dạy, học tập để dễ dàng hình dung, ghi nhớ. Với trường hợp này, Nguyễn Hải Thủy (giảng viên Trường đại học Ngoại ngữ Huế) cho biết: “Nếu trong một lớp học giảng dạy ngôn ngữ, thi thoảng sử dụng xen kẽ giữa hai thứ tiếng sẽ giúp học sinh hiểu rõ ngữ cảnh, dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ hơn. Nhiều người cũng sử dụng truyện chêm (truyện tiếng Việt, nhưng có thêm các từ vựng tiếng Anh) để nhớ từ mới lâu hơn”. Còn chị Mỹ Hương (TP. Huế) chia sẻ: “Mình thấy học như vậy dễ vào hơn so với cách học ngoại ngữ truyền thống của các thầy cô”.
Bên cạnh đó, cũng có những người “nửa Anh, nửa Việt” sau nhiều năm công tác tại nước ngoài. Điều này đã đối mặt với nhiều ý kiến trái nhiều, nhất là từ cộng đồng mạng, cho rằng, họ đã thực sự cố tình quên tiếng Việt. Song Bích Hằng, với 7 năm sinh sống và làm việc ở Mỹ chia sẻ, tuy không cố tình, nhưng đôi lúc trong vô thức vẫn chêm vài chữ tiếng Anh như bản năng, bởi cô bạn thú thật là những chữ này dùng bằng tiếng Anh phổ biến hơn cả. Vả lại, ngay tại Việt Nam, mà gần hơn là Huế, nhiều người cũng thường dùng là “up status” “rep inbox”...
Để trẻ được giáo dục song ngữ từ bé là tốt, nhưng cần điều chỉnh, định hướng cho phù hợp
Tiktoker nổi tiếng Bino “chém” tiếng Anh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc cũng có một video với 1,8 triệu lượt view chia sẻ rằng: “Ngay cả ở Úc, người Việt khi nói chuyện với nhau vẫn thường dùng những từ tiếng Anh ngắn gọn hơn như “PR” thay cho “thường trú nhân”, hoặc những người cùng nghề, dùng từ chuyên ngành để bớt rắc rối như “Epiphany”, có nghĩa là khoảnh khắc khi bạn nhận ra điều gì đó”.
Biết là vậy, nhưng lẫn trong hai trường hợp này, nổi cộm vẫn là tình trạng loạn ngữ, Anh, Việt lẫn lộn không cần thiết nhằm cố tình khoe khoang kiến thức, hay “giả làm người nước ngoài” để tạo trend trong giới trẻ.
Những ngày gần đây, tràn ngập trên các trang mạng xã hội là video nói chuyện với fan trong nước của ca sĩ nổi tiếng C.P, khi cô liên tục chêm hai ngôn ngữ Anh, Việt trong cùng một câu như đã quên phân nửa tiếng mẹ đẻ, dù chỉ vừa rời Việt Nam sang nước ngoài được khoảng... 2 tuần.
Cách nói của ca sĩ C.P như: “Nhưng mà thôi, sự thật thì luôn luôn đơn giản, nhưng people made it complicated (phức tạp hóa), nên là mình cứ enjoy cái moment (tận hưởng khoảnh khắc) này”; hay “Nếu có các hoạt activities (hoạt động) nào đó thì C. sẽ chia sẻ cho mọi người”... dần trở thành câu cửa miệng của rất nhiều bạn trẻ.
Dễ mà nhận thấy rằng, trường hợp của ca sĩ vừa nêu không phải là duy nhất, cả với những người bình thường hay các idol nổi tiếng. Các từ được nói bằng tiếng Anh hoàn toàn dài dòng, phức tạp hơn với tiếng Việt. Đặc biệt, đây là các cuộc hội thoại giữa người Việt với nhau. Loại loạn ngữ này được nhận biết dễ dàng với những cái đảo mắt ngơ ngác và câu nói “mình không nhớ chữ này trong tiếng Việt là như thế nào”.
Là trend nhưng cần phải điều chỉnh
Về những nhận xét chủ quan, đến cả những người không chuyên như anh H. Phúc (26 tuổi, TP. Huế) cũng nhăn mặt: Chẳng ai thực sự có vốn ngoại ngữ tốt, biết cách sử dụng và yêu quý tiếng Việt mà làm như vậy cả. Nhưng vì sốt, nên nó thành trào lưu, nghe cũng vui tai. Chính vì cái vui này mà gần đây, đây là trend đang hot, thế là tuy không nghiện, hay không lậm tiếng Anh – Việt, Việt – Anh, nhiều bạn trẻ, trong đó có cả Phúc vẫn đôi lúc đùa giỡn với bạn bè bằng cách nói chuyện mới này.
Không chỉ trở thành thói quen ở các bạn trẻ đã lớn, nhưng có thể là chưa trưởng thành, loạn ngữ cũng được bắt gặp ở các em nhỏ, khi nhiều cha mẹ định hướng dạy con ngoại ngữ ngay từ nhỏ. Đương nhiên, được tiếp xúc tại nhà và theo học trong môi trường song ngữ từ bé là điều kiện tốt để các em phát triển. Nhưng cũng có trường hợp, sau mấy lần tự hào, các bậc cha mẹ bỗng chút lo, sợ con khó hòa nhập với các bạn và người xung quanh, khi hỏi con đây là số mấy, bé dõng dạc trả lời “one, two” và hình thành các câu nói trong đó nhớ chữ nào thì trả lời tiếng Anh chữ nấy.
Dưới góc nhìn chuyên môn, theo thầy Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế chia sẻ, đối với trẻ em, khả năng tiếp thu là cao hơn so với người lớn. Việc để trẻ tiếp xúc sớm với ngoại ngữ là điều tốt. Song để tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn, các bậc cha mẹ cần định hướng cho các con. Cụ thể là tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ tốt, thực hiện các phương pháp giáo dục ổn định tiếng Việt trước. Song ngữ là xu hướng chung hiện nay, nhưng cần hài hòa, đảm bảo phát triển bền vững cho các em ngay từ khi còn bé, hạn chế tối đa tình trạng thay vì giỏi cả hai, lại thành không thuần thục bất kỳ một ngôn ngữ nào.
Nhìn lại vấn đề, tiếng Anh đang ngày càng phổ biến và đem lại nhiều lợi ích cho người học và người sử dụng. Nhưng đương nhiên, tiếng Việt vẫn luôn có nét đẹp riêng và bản sắc riêng với dấu, chữ mà các ngôn ngữ khác không có được. Vậy dùng ngoại ngữ ra sao, khi nào cho thích hợp là việc cần phải suy nghĩ nghiêm túc để thích ứng tốt với xã hội hiện đại, đa ngữ như hiện nay.
Bài: HẠ AN -
Ảnh: HẠ AN - HỆ THỐNG TT ANH NGỮ QUỐC TẾ ILEAD AMA HUẾ