Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Võ Nhân |
Về du lịch đường biển, lâu nay Thừa Thiên Huế đã đón được một số tàu. Hàng năm có khoảng 25.000 - 30.000 lượt khách đến Huế bằng đường biển nhưng qua hội thảo về du lịch đường biển với sự tham dự của rất nhiều hãng tàu biển lớn đầu năm 2014 và qua các cuộc khảo sát được thực hiện, đã xác định Chân Mây là một cảng có thế mạnh, có thể cập cảng nhiều tàu có công suất lớn. Hãng Royal Caribbean Cruise Ltd – một hãng tàu du lịch biển lớn thứ hai thế giới đã chọn Chân Mây để đưa khách vào.
Hiện nay, tàu lớn nhất của Royal Caribbean Cruise Ltd có sức chứa khoảng 3.000 khách và trên 1.000 thuỷ thủ đoàn. Hãng này cũng đang đóng hai tàu với trọng tải rất lớn, có thể đón từ 5.000 khách trở lên và sẽ cập cảng Chân Mây. Các cảng của Việt Nam hiện cũng chưa đón được các tàu lớn như vậy.
Khách du lịch tàu biển đến cảng Chân Mây |
Sáng 2-2 vừa qua, tàu Silver Whisper mang quốc tịch Bahamas với 684 người, trong đó có 382 du khách và 302 thuyền viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, như Mỹ, Canada, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ đã cập cảng Chân Mây. Dường như năm nay, việc đẩy mạnh hoạt động du lịch đã được bắt đầu bằng những tín hiệu tốt từ du lịch biển. Để đón một lượng khách với số lượng lớn và lớn hơn theo thời gian, tỉnh đã có sự chuẩn bị gì về hạ tầng và dịch vụ?
Hiện ở Chân Mây, cầu tàu của ta mới trên 300m, chúng ta phải nạo vét luồng lạch, mở rộng khu nước trước bến, mở rộng vũng quay tàu, xây thêm trụ neo, bổ sung hệ thống đệm va tàu và nhiều hạng mục công trình khác... để tiếp nhận các tàu du lịch biển tải trọng lớn có sức chở 5.500 khách, dài 362m như siêu tàu du lịch “Oasis of the Seas” cập bến. Tất cả những nỗ lực này nhằm đón từ 25.000-30.000 khách/năm của riêng hãng này và 60.000 khách từ các hãng khác như kế hoạch đã được tỉnh xây dựng từ đầu năm 2015.
Tuy nhiên, do nguồn lực của chúng ta hiện đang có những khó khăn nhất định và Royal Caribbean Cruise Ltd lại rất quyết tâm cho tàu vào Chân Mây nên đã ứng trước vốn cho chúng ta từ 85-100 tỷ đồng. Khi ứng vốn, xây dựng cầu cảng và các hạng mục khác xong, Royal Caribbean Cruise Ltd sẽ trừ dần trong khoảng thời gian 5-10 năm. Lượng khách vào càng nhiều thì việc khấu hao sẽ càng nhanh.
Điều đáng lưu ý ở đây là không phải tất cả các du khách đều đến các điểm tham quan của Huế mà có thể vào Đà Nẵng, Quảng Nam và cũng sẽ có những khách, kể cả những thuỷ thủ đoàn vốn chiếm khoảng 1/2 du thuyền không lên bờ hoặc không đi xa. Do vậy, phải đầu tư một khu dịch vụ ngay trên cầu ở cảng Chân Mây để các du khách này nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí… Đây là hai việc sẽ được triển khai sớm ở Cảng Chân Mây. Định hướng của tỉnh là từ nay đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, cảng Chân Mây sẽ có bến phục vụ khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu khách trọng tải đến 100.000 GRT và lớn hơn.
Sự hiện diện Royal Caribbean Cruise Ltd đã cho thấy những lợi thế của du lịch biển bên cạnh những lợi thế khác của Thừa Thiên Huế. Tỉnh sẽ làm gì để phát huy những lợi thế này, thưa ông?
Sự hiện diện của các hãng tàu lớn sẽ quảng bá điểm đến, vì du khách đi từ biển thường là du khách hạng sang, có sức tiêu thụ với nguồn tiền rất lớn, cần được cung cấp các dịch vụ tương xứng và nó sẽ kéo theo sự hiện diện của các hãng tàu biển khác vào Chân Mây. Du khách sẽ tăng và thậm chí tăng không chỉ ở đường biển mà cả ở các đường giao thông khác đến Huế nhiều hơn và tăng nguồn thu từ du lịch cho Thừa Thiên Huế. Năm 2014, lượng khách đến Huế tăng 8% nhưng doanh thu tăng 15%. Đó là hiệu quả của chất lượng dịch vụ đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Và hiện nay, Thừa Thiên Huế đang chiếm đến 90% lượng khách quốc tế đến các tỉnh Bắc Trung bộ.
Về đường hàng không, trong một diễn tiến mới nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh đã có kế hoạch làm việc với các hãng bay để mở một số chuyến bay thẳng đến Huế, tiết kiệm thời gian cho khách có nhu cầu và đã bước đầu được chấp thuận. Chẳng hạn, trước mắt, ngày 18-3 tới đây, đoàn Thống đốc Bangkok gồm 20 người cùng với 80 doanh nghiệp và các nhà báo và khách du lịch từ Thái Lan sẽ bay thẳng đến Huế để làm việc với tỉnh và tìm kiếm các cơ hội đầu tư…
|
Muốn du khách đến nhiều hơn, bên cạnh các giải pháp về đẩy mạnh quảng bá, tổ chức các trang web, xúc tiến đầu tư, cung cấp các thông tin, kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước, chúng tôi thấy một việc rất quan trọng là tổ chức các điểm giới thiệu sản phẩm để phục vụ khi du khách đến Chân Mây và lên Huế và có lẽ không chỉ lên TP Huế mà phải tìm các địa điểm trên suốt quãng đường từ Chân Mây lên Huế mà du khách sẽ dừng lại. Chẳng hạn như có nhu cầu chơi gôn, họ sẽ sang Laguna, đi tham quan Bạch Mã hay đi thăm các cơ sở ven biển, đền chùa… nhưng ở đâu, chúng ta cũng phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện vận chuyển, nơi mua sắm, ăn uống, biểu diễn nghệ thuật truyền thống hoặc là hưởng thụ các dịch vụ khác khi lên bờ… Tỉnh sẽ tổ chức để các doanh nghiệp cung ứng tất cả các dịch vụ này trên tiêu chí sản phẩm du lịch phải hướng đến chất lượng và đẳng cấp.
Với một lượng khách lớn nhu vậy trong một quãng thời gian ngắn, việc tổ chức các dịch vụ và mang lại các tiện ích cho du khách là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà du lịch Huế vẫn thường bị phàn nàn, ông có nghĩ rằng là đã đến lúc chúng ta phải chấn chỉnh, cải tổ và tổ chức lại hoạt động này một cách chuyên nghiệp hơn?
Phải đánh giá một cách khách quan rằng, chúng ta đã cố gắng thay đổi rất nhiều và liên tục chứ không chỉ nhìn ở một khía cạnh là hiện nay cái gì cũng không xứng tầm. Tất nhiên, lượng du khách càng ngày càng nhiều và yêu cầu cũng mỗi ngày một cao hơn, đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi và phát triển tốt hơn về dịch vụ và chất lượng dịch vụ…
Về điều này, chúng tôi đã tăng cường làm việc với các Hiệp hội du lịch, Hiệp hội khách sạn, các đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các đơn vị có sản phẩm, phương tiện vận chuyển, các cửa hàng và làm việc với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn cũng như kêu gọi, hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này để phục vụ nhu cầu mua sắm cao cấp và truyền thống, các điểm giới thiệu sản phẩm của các làng nghề và đây là lĩnh vực luôn cần được đổi mới, nâng chất lượng thường xuyên, kể cả trong cung cách phục vụ.
Thực ra việc tổ chức các tour, tuyến và các dịch vụ phục vụ du khách trong một quãng thời gian ngắn là điều không khó. Cái mà người ta muốn có là một cách làm việc chuyên nghiệp, lâu dài và có sự tăng trưởng ổn định. Một hướng dài lâu hơn cho hoạt động này, theo ông, cần phải được đặt ra vấn đề gì trong phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp?
Thực chất hoạt động này là của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ làm bà đỡ, hỗ trợ và kết nối chung. Điều quan trọng nhất là sự năng động của doanh nghiệp. Vấn đề mà chúng ta đang còn thiếu là những doanh nghiệp lữ hành mạnh, thiếu các doanh nghiệp vận tải lớn, có đủ nội lực để xứng tầm với sự phát triển. Lâu nay, chúng ta vẫn đang phải phụ thuộc vào các hãng lữ hành lớn trong nước. Điều này một phần vì lâu nay, lượng khách chưa đủ nhiều nên chưa có sự chú trọng đầu tư, thứ hai là cũng chưa có sự mạnh dạn trong đầu tư để phát triển. Chúng tôi cũng đang kêu gọi, khuyến khích đồng thời hỗ trợ một cách hợp lý và đúng mức về thông tin để định hướng phát triển cho các doanh nghiệp.